Trong bối cảnh doanh nghiệp đang phục hồi, room tín dụng nhiều nơi đã cạn, cần tín hiệu rõ ràng hơn khi Ngân hàng Nhà nước tính kiểm soát cho vay phục vụ đời sống “giá trị lớn”.
Giao dịch tại một ngân hàng trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Với giới kinh doanh đang chuẩn bị vốn cho mùa làm ăn cuối năm cũng như những dự án đón phục hồi kinh tế, việc Ngân hàng (NH) Nhà nước dự thảo sửa đổi thông tư 39 (“Kiểm soát cho vay “giá trị lớn”, người mua nhà hoang mang, doanh nghiệp lo”, Tuổi Trẻ ngày 27-6) là một tín hiệu khiến họ phải chững lại suy tính.
Tránh siết những nhu cầu chính đáng
Tuy NH Nhà nước chưa nói cụ thể món vay tiêu dùng “giá trị lớn” là bao nhiêu nhưng cũng khiến nhiều người vay lo lắng và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã lên tiếng: sử dụng từ “kiểm soát” dẫn đến luồng dư luận cho là NH Nhà nước định hướng “thắt chặt” tín dụng với bất động sản, từ đó tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Những người có nhu cầu mua nhà chính đáng tại các thành phố lớn, thậm chí ở nhiều tỉnh, hiện không dễ tìm bất động sản “giá trị nhỏ”. Nên nếu bị siết, ước mơ có nhà của rất nhiều người sẽ khó khăn, thậm chí lại phải… chờ.
Thực tế, các quy định của NH hiện nay có định hướng rất lớn, có thể tác động đến tâm lý và cả thanh khoản nhiều thị trường, trong đó có thị trường bất động sản. Chống lạm phát là cần thiết nhưng bất cứ điều chỉnh nào cần có tính toán cẩn trọng, tránh quy định chung chung làm khó khăn thêm cho các doanh nghiệp, dù ở lĩnh vực nào.
Thực tế những tháng gần đây tiếp cận vốn NH đang trở nên khó khăn hơn với nhiều khách hàng, trong đó nguyên nhân sâu xa vì nhiều NH hết hạn mức (room) tín dụng.
Cẩn thận “tác dụng phụ”
NH Nhà nước đến nay vẫn chưa nới room cho các NH mà chỉ cho phép sử dụng hết hạn mức được cấp của năm nay, vì áp lực lạm phát và lo các NH chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng.
Thế nhưng trên thực tế, sau dịch COVID-19 nhu cầu tiêu dùng tăng cao kéo theo nhu cầu vốn cũng tăng. Tình trạng cạn room tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng NH “kén cá chọn canh” hoặc chỉ giải ngân cho những khách hàng lớn, nhu cầu tối cần thiết.
Nhiều khách hàng đã phản ảnh muốn vay phải chấp nhận lãi suất cao hơn, thậm chí phải mua bảo hiểm khiến chi phí vốn tăng. Các doanh nghiệp khó tiếp cận kênh NH sẽ phải tìm đến các kênh lãi suất cao hơn và chi phí sẽ dồn vào người tiêu dùng cuối cùng.
Hiện các NH đều phải tuân theo các quy định về quản lý rủi ro, trong đó có chuẩn Basel 2. Ngoài ra còn quy định về hạn mức tín dụng với từng ngành hàng. Do vậy, nhiều NH cho rằng NH Nhà nước nên xem xét nới room để sớm đáp ứng vốn cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm, cũng như có thể triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2%.
Các quy định kiểm soát cũng cần quy định cụ thể, tránh chung chung như “giá trị lớn”. Đặc biệt, kiểm soát vốn ngành nào đó càng cần cụ thể hơn. Nếu không, nó không chỉ siết mảng cần kiểm soát mà gây khó chung cho cả những nhu cầu chính đáng, việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Ngân hàng đang phải chắt chiu để cho vay
6 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 8,15%, nhiều NH thương mại đã sử dụng gần hết room tín dụng được cấp và đang mong được NH Nhà nước nới thêm room.
Nhiều NH cho biết sau dịch, nhu cầu vốn của doanh nghiệp như chiếc lò xò bị nén lâu ngày, bùng lên rất mạnh nhưng NH lại rụt rè vì không còn room. Tiền đổ về nhiều nhưng có NH hết room từ tháng 4, chỉ thu nợ được bao nhiêu cho vay bấy nhiêu.
Một lãnh đạo NH đã dùng từ “chắt chiu” để mô tả về room tín dụng hiện nay, do vậy NH “khó trăm bề” vì muốn bán chéo sản phẩm như mở thẻ tín dụng, mở tài khoản… phần lớn cũng phải dựa vào tín dụng. Tín dụng “tắc”, NH cũng “bí”.
Nguồn: tuoitre.vn