Tăng sức cạnh tranh cho du lịch

Làm mới và tạo thêm các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng, thị hiếu khách trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 đang là mục tiêu, hướng đi của ngành du lịch.

Tăng sức cạnh tranh cho du lịch - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm chèo thuyền sup tại một điểm du lịch sinh thái ở Nghệ An – Ảnh: MẠNH HỒ

Và con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất cho xu hướng này chính là liên kết du lịch. Việc tạo liên kết còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí để đưa ra các sản phẩm có giá hợp lý và cạnh tranh hơn.

Hấp dẫn du lịch miền Trung

Sau những ngày cùng đoàn doanh nghiệp du lịch TP.HCM khảo sát sản phẩm tuyến Bắc Trung Bộ qua một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa…, bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc marketing và truyền thông Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, cho biết chuyến đi mang đến bất ngờ cho các doanh nghiệp và mở ra nhiều triển vọng mới để khai thác tuyến điểm vùng Bắc Trung Bộ bởi sự phục hồi, đổi mới của các điểm đến và dịch vụ sau hai năm ảnh hưởng dịch bệnh.

“Chúng tôi nhận thấy có một số sản phẩm triển vọng với phân khúc thị trường khách lẻ trung, cao cấp mà du khách TP.HCM sẽ rất ưa thích. Nhưng muốn vậy phải ngồi lại để chọn lọc các đặc trưng độc đáo của từng thành phần trong tuyến này. Đồng thời, tăng cường các dịch vụ bổ trợ như giải trí về đêm, trung tâm mua sắm, chú trọng yếu tố du lịch an toàn tại từng điểm dịch vụ”, bà Thu chia sẻ.

Ông Phan Xuân Anh, chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, cũng không giấu được sự thích thú trước những thay đổi về hạ tầng, dịch vụ của các điểm đến ở tuyến khảo sát, đặc biệt dòng khách đổ về khu vực này rất đông, cho thấy sức hấp dẫn với du khách.

“Có thể nói miền Trung đang ở giai đoạn phát triển chín muồi của du lịch như Quảng Bình, Thanh Hóa… có cơ sở vật chất từ đường sá đến điểm đến cải thiện rất nhiều. Lúc đến lăng vua Lê Lợi, cả đoàn đều bất ngờ trước quy mô và mức độ xây dựng tinh tế, chỉn chu của điểm và cả nhận thức về phục vụ du khách. Hay ở Pù Luông, có thể nói đây là bông hoa của Thanh Hóa, rất hài lòng về cung cách phục vụ hiếu khách, chuyên nghiệp”, ông Xuân Anh cho biết.

Đây là chuyến khảo sát các sản phẩm du lịch do Sở Du lịch TP tổ chức trước thềm Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022, nhằm đánh giá lại, cập nhật những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương sau một thời gian bị tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo các doanh nghiệp, chuyến khảo sát đã đáp ứng nhu cầu làm mới sản phẩm sau dịch, đẩy mạnh khai thác sản phẩm tuyến Bắc Trung Bộ, xúc tiến quảng bá, khai thác hai thị trường du lịch TP.HCM – Bắc Trung Bộ. Đây cũng là chương trình liên kết phát triển du lịch thứ sáu của TP.HCM sau liên kết với 13 tỉnh ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Bắc mở rộng, vùng Đông Bắc và gần đây nhất là các tỉnh Tây Nguyên nhằm kết nối các tỉnh thành và vùng miền theo chiều dài đất nước từ Bắc xuống Nam.

Tăng sức cạnh tranh cho du lịch - Ảnh 2.

Đoàn khảo sát tuyến các tỉnh Bắc Trung Bộ trong tháng 6-2022 do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp thực hiện – Ảnh: NGUYỄN MINH

Tăng sức bật cho từng điểm đến

Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP, cho rằng các liên kết vùng trong du lịch đã tạo ra cơ hội để các địa phương tận dụng thị trường khách trong vùng, gia tăng lượng khách và thu nhập du lịch của các địa phương; nâng cao chất lượng sản phẩm điểm đến thông qua các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực; tăng hiệu quả của công tác xúc tiến quảng bá du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá chung.

Thực tế ngay sau dịch nhiều vùng đất có vẻ đẹp hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên đã được du khách lựa chọn và trở thành những điểm đến mới an toàn, đúng xu hướng đi du lịch của người dân. Nhưng để đưa vào khai thác nâng tầm sản phẩm phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới sau COVID-19, gắn với phát triển bền vững và với định hướng phát triển chung của từng vùng, cần có sự bắt tay giữa các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cũng cho biết kết quả của các liên kết du lịch TP với các vùng kinh tế trọng điểm đã tác động, thúc đẩy từng thành tố trong hệ sinh thái du lịch phát triển, đem lại nhiều hiệu quả nhờ tận dụng được thị trường khách giữa các địa phương trong vùng.

Trên cơ sở đó, có thể tăng số lượng du khách và doanh thu, cũng như tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo từ tiềm năng và sự khác biệt về nhiều mặt nhằm thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế.

“Thông qua liên kết chúng tôi mong muốn giới thiệu đến thị trường phía Bắc những sản phẩm đặc trưng của du lịch TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung, qua đó gia tăng lượng khách đến ĐBSCL và Đông Nam Bộ – hai vùng phụ cận của TP.HCM. Một khía cạnh khác mà TP cũng có thể bổ trợ trong liên kết này là đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin để cùng các tỉnh Bắc Trung Bộ đẩy mạnh chất lượng dịch vụ du lịch”, bà Hoa khẳng định.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Bảo Thu, trong từng liên kết, yếu tố quan trọng không kém là cách thức thông điệp – slogan quảng bá du lịch của từng tỉnh thành, liên tuyến nhằm nổi bật đặc trưng của từng điểm đến. “Đặc biệt là các chương trình quảng bá online để tiếp cận khách hàng mục tiêu tại TP.HCM. Bởi sản phẩm có tốt, hấp dẫn đến đâu mà không quảng bá cũng sẽ không được khách hàng biết đến”, bà Thu góp ý.

Nâng tầm điểm đến

Ngày 1-7 tại TP Vinh, UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP.HCM và UBND TP Hà Nội cùng phối hợp với một số địa phương trong khu vực tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP.HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Nâng tầm điểm đến”.

Chương trình có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch và các vụ, đơn vị trực thuộc… Tại diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch bền vững và kích cầu du lịch nội địa giữa TP Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đồng thời, thảo luận và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch…

Trong khuôn khổ sự kiện còn có chương trình Không gian kết nối doanh nghiệp du lịch “Business Matching”, là cơ hội để các doanh nghiệp cung ứng du lịch ưu tú tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại hai đầu đất nước gặp gỡ, trao đổi, giao lưu trực tiếp, giới thiệu sản phẩm, mua bán, ký kết hợp đồng…

* Ông Trần Trung Hiếu (phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội):

Anh Box 1 copy

Du khách có thêm nhiều lựa chọn

Hà Nội và TP.HCM là hai điểm du lịch có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi gắn kết với các địa phương ở khu vực Bắc Trung Bộ mở rộng. Hoạt động liên kết này sẽ giúp việc chia sẻ khách du lịch giữa các địa phương này được tốt hơn. Du khách cũng có thêm nhiều lựa chọn tốt cho chuyến hành trình của mình.

Nghệ An nói riêng và các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ mở rộng nói chung sẽ có điều kiện để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của từng địa phương. Hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM cũng thúc đẩy kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ vì khi du lịch phát triển sẽ mang đến cơ hội cho các ngành nghề khác.

Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch của cả nước, Hà Nội sẽ chủ động, tích cực tham gia các hoạt động quảng bá du lịch với các địa phương trong chuỗi liên kết, kiểm soát luồng khách từ Hà Nội đến với khu vực Bắc Trung Bộ.

* Ông Nguyễn Mạnh Lợi (phó giám đốc Sở Du lịch Nghệ An):

Anh Box 4

Cơ hội để quảng bá các tour, tuyến mới

Thời gian qua, để phục hồi và phát triển du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới, Sở Du lịch Nghệ An đã chỉ đạo xây dựng và phát triển một số sản phẩm mới, đặc trưng, khác biệt, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch nội địa và quốc tế, phù hợp mục tiêu và tiềm năng của Nghệ An.

Trong đó, có những sản phẩm nổi bật như tour khám phá cung đường miền tây Nghệ An với nhiều điểm dừng chân trải nghiệm văn hóa bản địa giàu bản sắc, ẩm thực phong phú; tour du lịch mạo hiểm “Chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng, Kỳ Sơn”, sản phẩm du lịch sinh thái trải nghiệm “Chèo thuyền kayak – đi bộ, leo núi – đạp xe địa hình leo núi” từ Pha Lài, Bản Xiềng đi bản Cò Phạt, xã Môn Sơn huyện Con Cuông; du lịch cộng đồng huyện Quỳ Châu, Quế Phong…

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng lần này là dịp để tỉnh quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp du lịch trong, ngoài tỉnh xây dựng các gói sản phẩm du lịch khác biệt và độc đáo, đón khách tham quan, trải nghiệm.

NGUYỄN HIỀN – DOÃN HÒA

* Ông Lê Hồng Thái (phó tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist):

Anh Box 2

Cơ hội chia sẻ kinh nghiệm

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 là một ý tưởng hay và cần thiết trong giai đoạn du lịch đang phục hồi. Trong bối cảnh dịch COVID-19, du lịch là ngành phải đóng cửa đầu tiên nhưng lại là ngành được mở cửa gần như cuối cùng khi dịch được khống chế.

Số lượng các doanh nghiệp phải đóng cửa, ngưng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh rất nhiều. Nên khi du lịch phục hồi trở lại, việc tổ chức diễn đàn này có ý nghĩa lớn trong việc nối lại các liên kết đã được triển khai trước đó. Hà Nội và TP.HCM là hai TP lớn và có lượng khách du lịch cao. Nếu chúng ta làm tốt, việc kết nối này có thể nhân rộng ra cả nước với quy mô, tầm cỡ lớn hơn chứ không chỉ bó hẹp trong một tỉnh hay một khu vực.

Diễn đàn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi để thay đổi tư duy trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Các doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm của mình mới thu hút được du khách, vẫn là các điểm đến đó thôi nhưng cần phải có những trải nghiệm mới.

* Ông Nguyễn Huỳnh Sương (giám đốc Công ty CP Đông Dương Travel):

Anh Box 3

Thêm những sản phẩm du lịch mới

Tôi hy vọng thông qua diễn đàn này sẽ là cơ hội kết nối và hợp tác với Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ sẽ giúp du lịch Nghệ An có thêm những bước phát triển mới, lượng khách đến với Nghệ An tiếp tục gia tăng. Bởi đây là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại có nhiều sản phẩm du lịch đã khẳng định được thương hiệu cùng nhiều tiềm năng cần được “đánh thức”, nhất là địa bàn các huyện miền tây xứ Nghệ. Vùng đất này vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt có những sản phẩm du lịch ấn tượng đối với du khách trong nước và quốc tế.

Với vai trò định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước và sự liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mới để phát huy lợi thế, biến tiềm năng thành hiện thực, góp phần tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế, xã hội.

N.HIỀN – D.HÒA

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: