Trình bày giải pháp, tình hình tiêu thụ trái cây của tỉnh, ông Đoàn Ngọc Có – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai – cho biết tỉnh đang định hướng phát triển chuối, chanh leo vì lãi đến 350 – 400 triệu đồng/ha.
Diễn đàn trực tuyến kết nối nông sản do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 8-6 tại đầu cầu TP.HCM – Ảnh: THẢO THƯƠNG
Trong diễn đàn trực tuyến kết nối nông sản do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 8-6, nhiều tỉnh thành trình bày giải pháp, bức tranh nông sản ở tỉnh để tìm hướng ra.
Ông Đoàn Ngọc Có cho biết tỉnh hiện có khoảng 21.500ha cây ăn quả, tỉnh không gặp ách tắc nào trong vấn đề tiêu thụ nông sản.
Ông Có cho biết tỉnh dự kiến mở rộng diện tích chanh leo lên 20.000ha vào năm 2025, lớn nhất cả nước, đưa diện tích cây ăn quả lên 55.000ha vào năm 2025 và 100.000ha vào năm 2030.
“Để làm được điều này, Gia Lai chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang tập trung cây ăn quả. Có 4 loại cây được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực gồm: chanh leo, chuối, bơ và sầu riêng. Gia Lai định hướng phát triển cây chanh leo từ 4.000ha lên 20.000ha, lớn nhất cả nước.
Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận đến 350 – 400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân. Bên cạnh chanh leo, chuối cũng mang lại lợi nhuận tương tự sau khi trừ hết chi phí”, ông Có chia sẻ.
Để cho được giá trị cao như vậy, cũng theo ông Có, tỉnh Gia Lai đã chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha.
Ông Có thông tin: “Tỉnh áp dụng tiêu chuẩn này tập trung vào hai loại cây chính là chanh leo và chuối. Hiện Gia Lai đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói. Ngoài ra, giải pháp nữa là tỉnh xây dựng các quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm để phát triển cây ăn quả một cách bền vững”.
Nếu như ở Gia Lai thành công với trồng chuối, chanh leo nhờ tiêu chuẩn GlobalGAP thì Sóc Trăng sẽ xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ nhờ đăng ký mã số vùng trồng, tham gia các hợp tác xã.
Trình bày tại đầu cầu tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Trọng Khiêm – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng – cho biết nông sản trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ tốt, không xảy ra tình trạng ùn ứ.
“Tỉnh đã được cấp 77 mã số vùng trồng. Hiện nay, sản phẩm trái cây của Sóc Trăng đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm. Sắp tới, tỉnh sẽ xuất khẩu 40 tấn vú sữa sang Hoa Kỳ. Có được điểm sáng này là nhờ người dân chủ động nâng cao chất lượng, đăng ký mã số vùng trồng, tham gia các hợp tác xã để hướng đến sản xuất một số loại trái cây khác”, ông Khiêm cho hay.
Để tránh việc người dân thu hoạch nông sản đồng loạt, thương lái không thu mua hết, ông Khiêm cho hay tỉnh Sóc Trăng đã lên kế hoạch xây dựng 4 kho nông sản ở 4 vùng: trái cây, hành, lúa, thủy sản để giúp người dân bảo quản nông sản trong điều kiện tốt, tránh ùn ứ.
Nguồn: tuoitre.vn