Thay vì mỗi người một xe, công nhân giờ tìm người tiện đường đi chung để ‘cưa đôi’ tiền xăng. Thay vì cứ chạy theo đường quen, các bác chạy xe ôm và xe lôi chở hàng nay tính toán kỹ cung đường nào ngắn nhất và ít kẹt xe nhất để tiết kiệm xăng.
Anh Nguyễn Văn Lộc nói “bớt đồng xăng nào đỡ đồng đó”
Đó là hai trong nhiều cách tiết kiệm xăng thời bão giá. Và nói như họ thì “bớt được mười ngàn hay hai, ba chục ngàn tiền xăng mỗi ngày ở thời buổi này cũng quý dữ lắm”.
Bơm bánh xe căng
Trời chưa tới 4h sáng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lộc (40 tuổi) đã lồm cồm dậy chiên cơm để ăn qua quýt rồi chạy xe ra ngã ba Củ Cải (Hóc Môn, TP.HCM) để mua rau, củ, trái cây đi bán dạo. Anh Lộc mở bình xăng chiếc xe máy cũ mèm, thấy còn nửa bình, liền nói với vợ: “Ráng đi được tới trưa để đổ luôn ở cây xăng quen cho yên tâm, không sợ bơm thiếu”. Kiểm tra tới bánh xe bị non hơi, anh tạt vô chỗ sửa xe quen để bơm căng bánh.
“Chi tiết nhỏ xíu vậy chứ đỡ lắm. Bánh thiếu hơi chạy nặng hơn thì hao xăng dữ hơn. Xe tui lại kéo thùng rau quả nặng và cả hai vợ chồng nữa. Thời buổi giá xăng tăng dựng đứng gần gấp đôi này, người chạy xe buôn bán dạo như tụi tui mà không tính toán kỹ thì chỉ có lỗ…”.
Nói chưa dứt lời, anh Lộc và vợ đã rồ ga tiến về các khu dân cư quen thuộc hướng Bình Chánh và Bình Tân. Anh chạy đều ga, canh vừa đúng đèn xanh – đỏ ở ngã tư từ xa để hạn chế thắng nếu được để xe bớt hao xăng.
Anh cho biết trước đây vợ chồng đi bán mỗi ngày tốn khoảng 60.000 – 70.000 đồng tiền xăng, riêng mấy tháng nay chi phí này đã đội lên ngót nghét 120.000 đồng, thậm chí hơn nữa nếu ngày bán ế và phải chạy xe nhiều.
Gần tới điểm bán hàng quen thuộc, anh Lộc nhả chân ga để xe chạy tới chầm chậm theo trớn lăn bánh, chứ không dám giữ tốc độ nhanh để phải thắng gấp – một cách chạy xe mà người bán hàng rong này nói cũng “tiết kiệm được chút đỉnh tiền xăng”.
Gần trưa, gạt mồ hôi đợi khách ở con đường gần Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), anh Lộc mới có chút thời gian chia sẻ quê mình ở huyện Tân Châu, An Giang.
Vợ chồng lên thành phố mưu sinh nhiều năm nhưng vẫn “đời nhà trọ” ở Hóc Môn, chi tiêu gì cũng dè sẻn để nuôi con nhỏ. Nhưng hồi trước anh vẫn chưa tính chuyện tiết kiệm xăng, còn bây giờ phải tính kỹ chuyện này “bởi tiền xăng dễ lẹm hết vô tiền lời lãi đổ mồ hôi mỗi ngày”.
Hồi đầu cũng hơi phiền phức chút vì đi chung xe, phải tạt vô đón – đưa, nhưng riết rồi quen và cả hai cùng vui vẻ vì dè sẻn được vài trăm ngàn mỗi tháng.
Chị Trần Thị Lệ
Ông Phan Tấn Minh chạy xe tránh giờ cao điểm để đỡ hao xăng
“Cưa đôi” bình xăng
Thời gian gần đây, mỗi buổi đầu ca hay tan ca ở các nhà máy, khu công nghiệp, ngoài những người đi xe công ty đưa đón, người ta hay thấy hình ảnh các cô công nhân đi đôi trên một chiếc xe máy.
Hình ảnh này khác với trước đây khi nhiều cô đi xe riêng của mình, mỗi người một chiếc. “Cũng để dè sẻn tiền xăng thôi mà.
Hai người đi hai xe thì trả tiền xăng hai xe, còn đi một thì giảm được một nửa, chia đôi tiền xăng”, cô công nhân Nguyễn Thị Yến ở nhà máy trong Khu công nghiệp Tân Tạo kể thêm họ đã cất một xe để đi chung từ ra Tết đến giờ. “Coi vậy chứ đỡ lắm đó, mỗi tháng cũng tiết kiệm được mấy trăm ngàn, đủ để trả tiền điện nước phòng trọ”, Yến tâm sự.
Trường hợp của Yến thuận tiện là bạn đi chung xe ở cùng phòng trọ, làm cùng nhà máy. Tiền xăng họ đổ được “cưa đôi” sòng phẳng.
Để công bằng chuyện khấu hao xe, họ cứ luân phiên nhau lấy xe mỗi người đi một tuần. Kiểu tính toán có vẻ chi li này cũng được cái hay là xe đỡ bị để lâu chết máy, các cô phải dắt ra tiệm sửa xe lại tốn tiền.
“Bạn tui cũng làm cùng nhà máy nhưng đưa con đi học trái đường nên không thể đi chung xe với ai được, mỗi tháng phải trả hơn ba trăm ngàn tiền xăng. Tính ra tui chỉ phải trả một trăm rưỡi khi đi chung xe. Bình thường không mấy ai để ý chuyện đó, nhưng thời buổi khó khăn này tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng đó”, Yến tâm sự.
Những người ở cùng phòng trọ hay dãy trọ như Yến dễ đi chung xe, nhưng các bạn ở chỗ khác nhau vẫn “cưa đôi” bình xăng được nếu trên đường đi có thể đưa đón. Chị Trần Thị Lệ (ở Đức Hòa, Long An) đi làm nhà máy ở Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM), tính ra đi – về mỗi ngày gần 60km.
Xe chị đã cũ và trục đường tỉnh lộ 10 lại quá đông, nên mỗi ngày chị tốn gần 2 lít xăng với gần 60.000 đồng theo giá hiện nay.
Không thể chịu nổi chi phí này, chị Lệ đã cố gắng tìm một người có thể đi chung để bớt chi phí xe cộ. Cuối cùng, chị cũng tìm được một bạn nữ làm cùng khu công nghiệp nhưng khác nhà máy và ở cách nhà chị khoảng 5km.
“Tui với bạn đó thỏa thuận với nhau bình xăng đổ một trăm ngàn đồng thì bạn đó chỉ trả bốn chục. Coi chút tiền vậy chớ mỗi tháng tui cũng tiết kiệm được khá bộn”, chị Lệ cười kể.
Người chạy xe giao hàng nay phải tính kỹ tuyến đường ngắn nhất để tiết kiệm xăng – Ảnh M.DŨNG
Tìm tuyến đường ngắn, né giờ cao điểm
Trong thời buổi giá xăng dựng đứng này, rất nhiều người đã nghĩ ra lắm cách để tiết kiệm chi phí di chuyển. Nhiều người tranh thủ đi làm sớm một chút và nán về trễ một chút để tránh giờ cao điểm vốn dễ dính kẹt xe, hao xăng.
Nhiều người có xe số hay xe điện ở nhà thì tạm rời chiếc xe tay ga để đi những chiếc kia cho bớt tiền xăng. Nhiều người còn đổi thói quen đi xe buýt nếu tính toán giá vé rẻ hơn giá đổ xăng…
Đặc biệt, giới xe ôm, xe công nghệ chở khách, xe chở hàng, xe chạy dịch vụ là những người “thấu” nhất chuyện giá xăng tăng phi mã. Và nhiều người trong số họ cũng phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí xăng xe, “bớt bạc lẻ gom lại cũng thành tiền lớn”.
Ông Phan Tấn Minh, 53 tuổi, chạy xe lôi Trung Quốc chở hàng, thường đậu trên tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân,), kể lúc giá xăng chưa “nhảy dựng” như bây giờ mỗi ngày ông chi khoảng 100.000 – 150.000 đồng cho tiền xăng, tùy có cuốc xe nhiều hay ít. Nhưng bây giờ hiếm khi nào ông đổ dưới 200.000 đồng tiền xăng.
Ông chia sẻ: “Xe tui là xe Trung Quốc, máy lớn rất hao xăng, trung bình mỗi lít chỉ chạy được 15 – 20km tùy chở đồ nặng nhẹ và đường kẹt hay thông thoáng. Giá cuốc xe giờ có tăng lên chút nhưng vẫn chưa thể bù được cho giá xăng tăng”.
Người đàn ông quê Cần Giuộc (tỉnh Long An), đang ở trọ tại Bình Chánh chạy xe nuôi vợ, hai con nhỏ và cha mẹ già ở quê, kể mỗi ngày ông phải kiếm được 500.000 đồng sau khi trừ chi phí, nếu hụt thì không đủ lo cho bản thân và gia đình.
Cách tiết kiệm tiền xăng của ông là “mỗi khi nhận cuốc xe chở hàng, tui đều tính toán kỹ con đường để có thể ngắn nhất.
Trước đây mình chạy tuyến đường theo thói quen, nếu coi kỹ bản đồ cũng có thể rút ngắn được”. Ngoài ra, mỗi khi nhận chở hàng, ông đều tư vấn khách có thể tránh giờ cao điểm được không “bởi lúc đường thoáng, xe cũng đỡ hao xăng lắm”.
“Tiết kiệm được chút đỉnh tiền xăng, tiền điện, tiền nước và kiếm người ở ghép phòng trọ đều cần thiết để vượt qua thời bão giá này”, ông Minh tâm sự.
Kết hợp nhiều việc
Gần đây, bà Trần Thị Mỹ Hà (ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng thay đổi thói quen đi chợ. “Hồi trước tui chở con đi học xong thì chạy về nhà, rồi mới lại đi chợ. Ngày nào cũng như vậy, không để ý xăng nhớt gì. Giờ tui đưa con đi học rồi ghé chợ luôn, nhưng cũng chỉ 3, 4 hôm mới đi chợ một lần để tủ lạnh.
Thay đổi chút thói quen vậy chớ đỡ hao bình xăng lắm” – bà Hà kể thêm đang đi xe tay ga, trước đây mỗi tháng đổ khoảng 5 bình, giờ chỉ đổ 3 bình. Giá xăng lên, bà lại giảm được tiền đổ xăng.
Nguồn: tuoitre.vn