Lợi nhuận bán niên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) giảm 14% so với cùng kỳ, đạt khoảng 1.100 tỷ đồng trước áp lực giá đầu vào tăng cao.
Trong 6 tháng đầu năm, Vicem báo tổng doanh thu đạt hơn 19.200 tỷ đồng, vượt hơn 13% so với bán niên 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt lại giảm với mức tương ứng, đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên mức này vẫn nằm trong kịch bản Vicem dự đoán từ trước khi cả hai chỉ tiêu đều vượt hơn một nửa kế hoạch cả năm. Doanh nghiệp này nộp ngân sách gần 1.100 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Vicem nhận định biến động kinh tế trong nước và thế giới trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng. Giá xăng, dầu, than… tiếp tục tăng cao, đặc biệt giá than nhập khẩu có thời điểm lên đến 490 USD một tấn với nguồn cung khan hiếm. Giai đoạn cuối năm 2020, giá than chỉ dao động khoảng 50-60 USD một tấn, tức đã tăng khoảng 8 lần.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất. Trong đó, 66% lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá trên thị trường quốc tế. Theo Vicem Hoàng Mai, từ đầu tháng 6, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tăng giá than thêm 15% so với giai đoạn trước.
Ngoài ra, giá xăng tăng liên tục cũng trở thành áp lực lớn. Từ đầu năm đến nay, nhiên liệu này tăng giá đến 12 lần nhưng chỉ có 5 đợt điều chỉnh. Giá xăng lúc đỉnh điểm vào cuối tháng 6 cao hơn 9.000 đồng mỗi lít so với hồi đầu năm.
Trong điều kiện nguồn than khó khăn, các đơn vị của Vicem đã nghiên cứu sử dụng than phẩm cấp thấp để đốt lò. Nhiên liệu này ảnh hưởng đến năng suất và tiêu hao nhiệt của lò song đã giúp các lò nung clinker duy trì hoạt động liên tục. Song song đó, các đơn vị cũng chọn giải pháp đốt rác và bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế. Trong 6 tháng đầu năm, lượng rác thải đã sử dụng tại 4 đơn vị của Vicem gần 92.000 tấn, lượng bùn thải gần 49.800 tấn.
Ngoài ra, công ty còn gặp khó ở thị trường xuất khẩu clinker và xi măng. Tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ qua kênh xuất khẩu của Vicem đã giảm gần 20% so với 6 tháng 2021.
Trước gánh nặng về chi phí, thời gian qua nhiều đơn vị thuộc Vicem như Vicem Hà Tiên, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Vân… lần lượt tăng giá xi măng trong tháng 3, 5 và 6. Biên độ tăng dao động trong khoảng 50.000-100.000 đồng một tấn ở mỗi lần điều chỉnh.
Trong dài hạn, VnDirect dự đoán nhu cầu xi măng nội địa giai đoạn 2022-2023 sẽ phục hồi mạnh mẽ khi bất động sản và đầu tư công sôi động trở lại. Sản lượng tiêu thụ sẽ cao hơn mức trước dịch, đạt lần lượt 66,5-69,8 triệu tấn mỗi năm, tăng 5-6%. Nhưng ngành xi măng vẫn đối mặt với rủi ro về đầu vào, khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp giảm mạnh trong năm 2022.
Tất Đạt
Nguồn: vnexpress.net