Công cụ huy động vốn xanh tại Việt Nam còn khiêm tốn, cho thấy tiềm năng lớn của thị trường trái phiếu xanh, theo ông Đào Lê Huy – Phó tổng giám đốc EVNFinance.
Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) vừa phát hành trái phiếu xanh theo nguyên tắc Trái phiếu xanh năm 2021 của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (International Capital Market Association – ICMA) và tự nguyện tuân thủ theo tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN trị giá 1.725 tỷ đồng được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo.
EVNFinance là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phát hành trái phiếu xanh ra thị trường và cũng là giao dịch bảo lãnh một phần cho trái phiếu xanh đầu tiên GuarantCo thực hiện tại Việt Nam. Ông Đào Lê Huy – Phó tổng giám đốc EVNFinance cũng có những chia sẻ cụ thể hơn với VnExpress về thị trường Trái phiếu xanh tại Việt Nam.
– Ông có thể giải thích rõ hơn về trái phiếu xanh?
– Trái phiếu xanh là một trong những phương tiện huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững. Đối với các nhà đầu tư tổ chức, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào trái phiếu xanh đem lại nhiều lợi ích, đó là: tăng cường hình ảnh xanh của tổ chức; tính minh bạch của trái phiếu xanh; đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đối với nhà đầu tư tổ chức, trái phiếu xanh sẽ là một tài sản tài chính tốt giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro, đem lại nguồn lợi nhuận phù hợp và đồng thời đóng góp vào định hướng phát triển bền vững của quốc gia.
Phát triển bền vững hiện là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia. Đối với Việt Nam, một trong những quốc gia đang đối mặt và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu thì xu thế này lại càng quan trọng. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế mạnh mẽ để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Chúng ta có tài nguyên lớn là gió, là biển, là ánh nắng ngập tràn, những nguồn năng lượng này có thể thay thế những nguồn năng lượng hoá thạch, gây ô nhiễm môi trường (như than đá, dầu, xăng…). Điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn xanh nhằm mục tiêu giảm phát thải carbon, phát triển bền vững. Đây cũng là lý do EVNFinance tập trung theo đuổi nghiên cứu và phát triển trái phiếu xanh.
– Ông đánh giá thế nào về thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam?
– Cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường với một số sửa đổi quan trọng trong đó có bổ sung định nghĩa, yêu cầu chung đối với Trái phiếu xanh và những ưu đãi được hưởng áp dụng với chủ thể phát hành. Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã công bố cam kết đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Theo nhận định của các chuyên gia, điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn xanh qua thị trường tài chính, trong đó. Trái phiếu xanh chính là một trong những công cụ huy động vốn quan trọng.
Tuy nhiên, hiện tại công cụ huy động vốn xanh tại Việt Nam còn khiêm tốn. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam. Cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường với một số sửa đổi quan trọng trong đó có bổ sung định nghĩa, yêu cầu chung đối với trái phiếu xanh và những ưu đãi được hưởng áp dụng với chủ thể phát hành. Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã công bố cam kết đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Theo nhận định của các chuyên gia, điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn qua thị trường tài chính bền vững nhằm tăng tốc quá trình giảm phát thải carbon, trong đó trái phiếu xanh chính là một trong những công cụ huy động vốn quan trọng.
– Theo ông, các tổ chức tài chính tại Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh?
– Để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, Việt Nam sẽ cần xây dựng được một hệ sinh thái trái phiếu xanh đồng bộ với sự tham gia của cả Chính phủ, nhà phát hành, nhà đầu tư, các bên hỗ trợ vận hành thị trường, các đơn vị thiết lập tiêu chuẩn thị trường/cung cấp dịch vụ xác minh thuộc bên thứ ba. Đây là một tiến trình cần thời gian, trong đó vai trò của các tổ chức tiên phong rất quan trọng. Đối với các tổ chức tài chính, đây cũng là thời điểm tốt để tham gia thị trường cả với tư cách nhà đẩu tư hoặc tổ chức phát hành.
Riêng đối với EVNFinance, với mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển bền vững, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị kỹ cho việc tham gia thị trường tài chính xanh. EVNFinance là một trong những tổ chức đầu tiên tại Việt Nam xây dựng Hệ thống Quản trị rủi ro Môi trường và Xã hội (Environmental and Social Management System). Chúng tôi cũng đã ban hành khung trái phiếu xanh để phục vụ cho lộ trình phát triển trái phiếu xanh của công ty đáp ứng theo nguyên tắc Trái phiếu xanh năm 2021 của ICMA và tự nguyên tuân thủ theo tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN.
Mới đây, EVNFinance đã phát hành đợt trái phiếu xanh đầu tiên trị giá 1.725 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư bền vững của các nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam.
– Việc EVNFinance phát hành trái phiếu xanh có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
– Đây là lần đầu tiên EVNFinance phát hành trái phiếu xanh và cũng là giao dịch phát hành trái phiếu xanh đầu tiên theo nguyên tắc Trái phiếu xanh năm 2021 của ICMA và tự nguyện tuân thủ theo tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN của một tổ chức tài chính cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam còn rất mới nhưng chắc chắn mang lại tiềm năng lớn. Chúng tôi hy vọng rằng giao dịch này sẽ tạo ra một động lực nhất định cho sự phát triển của thị trường.
Việc phát hành Trái phiếu xanh của EVNFinance dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về các quy trình pháp lý cũng như các nguyên tắc Trái phiếu xanh quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ mang lại các cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư Việt Nam đáp ứng các tiêu chí xanh theo hướng minh bạch và bền vững.
Thảo Miên
Nguồn: vnexpress.net