Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) phải trích lập dự phòng gần 63 tỷ đồng cho đầu tư cổ phiếu, trong đó có ba mã bất động sản.
Theo báo cáo tài chính quý II/2022, Vĩnh Hoàn đầu tư tổng cộng gần 200 tỷ đồng vào cổ phiếu tính theo giá gốc. Tuy nhiên giá trị hợp lý chỉ còn hơn 137 tỷ đồng, doanh nghiệp này phải dự phòng gần 63 tỷ đồng. Khoản này là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính của VHC kỳ này đôi lên hơn 3 lần so với quý II/2021.
Trong đó các khoản lỗ lớn đều nằm ở cổ phiếu bất động sản. VHC dự phòng hơn 23,5 tỷ đồng ở mã NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long. Cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services và KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc khiến Vĩnh Hoàn lỗ lần lượt gần 17,3 tỷ đồng và gần 4,2 tỷ.
Vĩnh Hoàn với lượng tiền nhàn rỗi lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành, đã bắt đầu tìm cách gia tăng lợi nhuận từ chứng khoán trong giai đoạn dịch bệnh. Cuối năm 2020, công ty ghi nhận lãi chứng khoán kinh doanh gần 64,5 tỷ đồng cùng hơn 2 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia. Đến cuối năm ngoái, tổng hai khoản trên mang về cho VHC hơn 41,8 tỷ đồng.
Tuy lỗ chứng khoán, nhìn chung kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn trong quý II tiếp tục ghi nhận nhiều điểm tích cực. Doanh thu thuần đạt hơn 4.226 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng kỳ này tăng mạnh 64%. Dẫu vậy, nhờ sản lượng và giá bán tăng, “nữ hoàng cá tra” lãi hơn 788 tỷ đồng sau thuế, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận gần 7.494 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.341 tỷ lợi nhuận, tăng lần lượt 81% và 241% so với cùng kỳ. Trong đó, cá tra luôn là mảng chủ lực, chiếm khoảng hai phần ba tổng doanh thu với mức tăng trưởng hơn 80% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu doanh thu và hơn bốn phần năm kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh tích cực của Vĩnh Hoàn nằm trong dự đoán của nhiều công ty chứng khoán. Những yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp này được cho là tiếp tục kéo dài trong nửa cuối năm như hưởng lợi thuế suất 0% tại Mỹ, nguồn cung cá tra chưa trở về mức ổn định, tiềm năng thị trường Trung Quốc khi mở cửa trở lại… 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ của “nữ hoàng cá tra” đã tăng hơn 130%, cùng lúc doanh thu thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng đáng kể từ đầu quý II.
Tuy vậy, SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm nay. Sang năm 2023, lợi nhuận của doanh nghiệp này có thể giảm 15%. Theo SSI Research, nhiều công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) hiện ở mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao suốt 5 tháng đầu năm. Trong khi đó, 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu đang trong cơn bão lạm phát, ảnh hưởng đến sức mua, nên các công ty nhận định, tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc ngay trong quý III này.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu VHC nhìn chung có xu hướng tăng so với đầu năm. Hồi tháng 1, mã này chỉ giao dịch quanh 60.000 đồng một đơn vị. Sang tháng 2, thị giá gần như tăng liên tiếp, áp sát mốc 100.000 đồng một cổ phiếu vào cuối tháng 3. Giai đoạn sau, VHC bắt đầu giằng co và đạt đỉnh 114.000 đồng trong đầu tháng 6.
Kể từ đó, thị giá cổ phiếu Vĩnh Hoàn lao dốc theo xu hướng chung của thị trường, có thời điểm về dưới 80.000 đồng một đơn vị, mất khoảng 30% so với đỉnh trước kia. Những phiên gần đây, mã này dần phục hồi.
Tất Đạt
Nguồn: vnexpress.net