Tỉnh Long An dự kiến xây dựng thêm 4 khu công nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích 1.770 hecta.
Các khu công nghiệp dự kiến được mở thêm bao gồm Tandoland (250 ha), khu công nghiệp Prodezi (400 ha), khu công nghiêp Tân Tập (654 ha), khu công nghiệp Lộc Giang (466 ha). Tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp này sớm thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án đầu tư.
Khu công nghiệp Tandoland đã được Chính phủ phê duyệt và sẽ được đặt tại xã Lương Hòa và Tân Hòa, huyện Bến Lức. Vốn đầu tư dự án là hơn 3.100 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 550 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành trong không quá 36 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất.
Xã Lương Hòa và Tân Hòa, huyện Bến Lức cũng được chọn là nơi đặt khu công nghiệp Prodezi, diện tích 400 hecta. Dự án này do Công ty cổ phần Prodezi Long An đầu tư. Tổng vốn dự kiến là hơn 4.600 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án trong vòng 60 tháng.
Khu công nghiệp Lộc Giang do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn – Tây Bắc đầu tư đặt tại xã Tân Mỹ, An Ninh Đông và Lộc Giang, huyện Đức Hòa. Dự án rộng 466 ha có tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư bỏ vốn 779 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt có thời hạn sử dụng 50 năm.
Lớn nhất trong số 4 dự án mới là khu công nghiệp Tân Tập với quy mô 654 ha. Dự án này được đặt tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành khu công nghiệp này sẽ không quá 5 năm kể từ ngày nhận bàn giao đất.
Theo các nhà đầu tư, Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh cũng có biên giới, cửa khẩu quốc tế, cảng biển,… Trong đó, Bến Lức, Cần Giuộc là hai huyện thường xuyên hút các dự án đầu tư về bất động sản, công nghiệp.
Bến Lức được đánh giá là nơi lý tưởng để phát triển đô thị công nghiệp. Nơi đây là đầu mối của một loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối liên vùng như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt (TPHCM) với cao tốc TPHCM – Trung Lương, metro Bến Thành – Tân Kiên…Theo quy hoạch, đây sẽ là khu vực phát triển đô thị, dân cư gắn với các khu, cụm công nghiệp tập trung với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại.
Các khu – cụm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, sử dụng nhiều chất xám… Bên cạnh đó, một phần quỹ đất được sử dụng phát triển các loại dịch vụ như đào tạo, y tế chất lượng cao, văn hóa, thể thao, thương mại, du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng và nông nghiệp sạch…
Cần Giuộc lại được định hướng thành trung tâm công nghiệp của tỉnh. Huyện này có hệ thống giao thông đường bộ liên tục được đầu tư, mở rộng để kết nối với các khu vực khác trong tỉnh và với Quận 7, Nhà Bè (TP HCM). Cần Giuộc cũng có hệ thống giao thông đường thủy đa dạng. Trong đó, cảng Quốc tế Long An được đầu tư với nguồn vốn trên 10.000 tỷ đồng. Khi các tuyến giao thông kết nối thông suốt, Cảng Quốc tế Long An sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và cả một phần TP HCM cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích đất khu công nghiệp lấp đầy hoạt động trên địa bàn Long An tăng thêm gần 100 ha. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 2.457 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 92%. Các khu công nghiệp đã thu hút được 1.726 dự án đầu tư, trong đó có 832 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 5.431 triệu USD và 894 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 106.000 tỉ đồng. Tỉnh cũng có hai dự án khu kinh tế cửa khẩu đầu tư nước ngoài với tổng vốn 75 triệu USD.
Đối với cụm công nghiệp, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương thu hút 5 dự án đầu tư thứ cấp với diện tích 4,18 ha; có thêm cụm công nghiệp Hiệp Hòa triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xúc tiến dự án đầu tư. Đến nay, có 22 cụm công nghiệp hoạt động thu hút 662 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê 783,66 ha; tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động đạt 90,5%.
Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư, góp phần mở rộng các thị trấn, thị tứ; đồng thời tạo lập thêm nhiều điểm dân cư đô thị mới, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Long An.
Hoài Phương
Nguồn: vnexpress.net