Những biến động trên toàn cầu đang đưa thêm việc làm công nghiệp, công nghệ về Việt Nam nhưng trong nước, các đơn vị lại khó tìm đủ người.
“Điều hòa 100%; Xe buýt đưa đón free: Nhiều phúc lợi hấp dẫn” kèm thu nhập 9-13 triệu đồng là lời rao tuyển dụng lao động phổ thông làm việc ở Hải Phòng của Pegatron Việt Nam gần đây. Cùng với đó, trong tháng này công ty cũng tuyển nhiều vị trí là chủ quản các bộ phận sản xuất và kỹ sư.
Pegatron là nhà cung ứng cho Apple. Gần đây, họ cùng với nhà cung ứng Đài Loan là Foxconn và hai nhà lắp ráp Trung Quốc đại lục là Luxshare và Goertek, công bố các kế hoạch đầu tư lớn nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Trên fanpage của mình, Goertek Vina những tháng qua cũng liên tục tuyển lao động phổ thông “đi làm ngay”, “không giới hạn” nhận hồ sơ phỏng vấn. Tuần trước, dự án mới tại Quế Võ (Bắc Ninh) rao tuyển loạt chuyên viên phụ trách thu mua, xuất nhập khẩu, chăm sóc khách hàng.
Báo cáo của hãng tuyển dụng và tính lương Adecco cho biết nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp sản xuất, như điện tử, dệt may và hóa chất, đã tăng đáng kể trong năm nay và rất có thể còn tiếp tục thời gian tới. Nhu cầu này, theo Giám đốc Adecco Hà Nội, bà Nguyễn Hà, có từ xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc và việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, từ vài năm nay.
“Gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cùng với sự gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc khiến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác được xem như là điểm đến tiềm năng cho ngành sản xuất”, bà phân tích.
Một nghề khác cũng rộng mở cơ hội nhờ xu hướng tăng cường đầu tư và chuyển dịch sản xuất đến Việt Nam là dịch vụ bất động sản công nghiệp.
Đại diện Khu công nghiệp Long Hậu (Long An) cho hay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sản xuất tại đây đã tăng 30-40% trong nửa đầu năm. “Điều đó cũng dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của chính chúng tôi tăng lên, để bổ sung người mảng dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm nhân sự cho khách hàng”, vị này nói.
Theo ghi nhận của hãng dịch vụ bất động sản và quản lý đầu tư Colliers Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trở lại với thị trường bất động sản ở mọi phân khúc, đặc biệt là mảng khu công nghiệp và bán lẻ.
Bất động sản khu công nghiệp hoạt động sôi nổi trong quý II, với tỷ lệ lấp đầy 90% ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Cùng với đó, bản thân thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang hấp dẫn trở lại, thu hút dòng tiền từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Hong Kong.
Những lý do này, theo Navigos – hãng tuyển dụng dẫn đầu về nhân sự trung và cao cấp – dẫn đến một số vị trí như: quản lý cho thuê, quản lý bất động sản công nghiệp, quản lý đầu tư… trở nên cấp thiết và đang được tuyển nhiều. Tuy nhiên, thị trường lao động chưa sẵn sàng để cung cấp đủ ứng viên đáp ứng tiêu chí của nhà tuyển dụng.
“Đây là ngành phát triển nóng trong 3 năm trở lại đây nhưng lại ưu tiên tuyển người Việt, đặc biệt là các nhân sự có kinh nghiệm. Vì thế, nhiều trường hợp, một số vị trí rất khó để thu hút nhân tài”, Navigos nhận định.
Không chỉ mở thêm cơ hội cho lao động sản xuất, tình hình thế giới cũng góp phần đổ thêm đơn hàng về cho ngành IT. Báo cáo Navigos cho biết thêm, do ảnh hưởng của các xung đột Nga – Ukraine, nhiều hợp đồng và đơn đặt hàng liên quan đến công nghệ thông tin được chuyển về thị trường Việt Nam.
Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng tăng lên khi các doanh nghiệp thấy tích cực về việc kinh doanh hồi phục sau Covid. Một số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoạt động trong nửa cuối năm 2022 cũng như các đơn vị trong giai đoạn chuyển đổi và tái cơ cấu sẽ có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin.
Trên mạng tuyển dụng VietnamWorks, đã có hơn 65.000 việc làm đăng tuyển trong nửa đầu năm, tăng 20% so với cùng 2021. Trong đó, công nghệ là một trong top ngành có nhu cầu tuyển cao nhất, xếp thứ 3 sau tài chính/đầu tư và bán hàng. Các vị trí cần người chủ yếu như: phát triển phần mềm, kỹ thuật dữ liệu, kỹ sư DevOps, kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhu cầu tuyển người tăng cao khi thêm nhiều đơn hàng chuyển đến Việt Nam trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt từ sau dịch, bồi thêm cơn khát người đã có từ trước.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gần đây đánh giá nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ.
Riêng trong quý I có xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%.
Thống kê của Việc làm tốt vừa qua cũng cho biết, kể từ tháng 3, các công việc từ công nhân, shipper đến bán hàng, nhân viên khách sạn, nhà hàng… bắt đầu khan hiếm người ứng tuyển. Ở TP HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, ghi nhận nhiều doanh nghiệp thành viên tuyển liên tục vẫn không đủ lao động.
Riêng trong ngành sản xuất, đặc biệt là điện tử, khan hiếm lao động có trình độ vẫn chưa giảm. Một cáo báo khảo sát do VCCI và Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam công bố tuần trước cho hay, 60% doanh nghiệp điện tử được hỏi đánh giá thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức “từ trung bình đến nghiêm trọng”.
Trước đó, chuyên gia của HSBC cũng cho rằng để Việt Nam đón dòng vốn FDI hiệu quả, cần nhiều cải cách hơn nữa, bao gồm cả nâng cao tay nghề của lực lượng lao động.
Viễn Thông
Nguồn: vnexpress.net