Nhiều địa phương còn trì trệ, không quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn bất cập trong giải ngân vốn các dự án đầu tư công. Cần phải “sờ gáy” những người làm trực tiếp, chứ chỉ nói chung chung sẽ không thể nêu cao tinh thần trách nhiệm.
Người dân có đất bị thu hồi làm sân bay Long Thành (Đồng Nai) làm thủ tục nhận tiền bồi thường, hỗ trợ – Ảnh: A LỘC
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, được tổ chức sáng 16-7, khi đề cập thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra tại nhiều bộ, ngành, địa phương.
Chấm dứt việc xin vốn rồi… để đó
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có thực trạng là khi làm việc với các bộ ngành, nhiều địa phương đều đề nghị được bố trí vốn để đầu tư phát triển, nhưng khi nhận được vốn xong lại không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, vẫn còn một lượng vốn rất lớn chưa được giải ngân.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của tình trạng này là “do quan liêu, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”, bởi cùng một cơ chế chính sách có địa phương lại giải ngân rất tốt nhưng có nơi lại rất “ì ạch”.
Dẫn trường hợp tỉnh Nghệ An đã giải ngân trên 60% vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng địa phương này có tỉ lệ giải ngân cao bởi phần lớn những dự án quan trọng đều do một phó chủ tịch tỉnh trực tiếp chỉ đạo điều hành, xử lý vụ việc, kể cả việc giải ngân.
Trong khi tại nhiều địa phương khác, chủ tịch “ôm” hết dù không nắm cụ thể, cũng không kiểm tra đôn đốc nên có họp cũng đâu xử lý được. “Cứ “ôm” hết là không được. Sao để tình trạng này tiếp tục mãi được” – Thủ tướng nói.
Do đó, theo Thủ tướng, cần quyết liệt tìm giải pháp để “trị” nguyên nhân khiến giải ngân kém cỏi, bởi đầu tư công chính là “cứu cánh” quan trọng, vì từ công trình mới giải quyết được tiền lương, vật liệu và việc làm cho hàng triệu người.
“Phải chăng cần có nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy để phân công đôn đốc hay không, chứ cứ nói chung chung còn việc cụ thể lại chậm trễ” – Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải giải quyết dứt điểm “3 cái đọng”.
Đó là không được để vốn đọng, chấm dứt chuyện “có tiền đó mà không tiêu được”. Không để nợ đọng, chấm dứt tình trạng “ngâm” vốn chứ không quyết toán dù các hạng mục đã được hoàn thành. Và cuối cùng là đọng thủ tục, tình trạng phổ biến hiện nay phải được chấm dứt.
Thủ tướng cũng chấp thuận đề xuất thực hiện việc điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân ở những nơi khác, áp dụng từ tháng 8-2020.
“Tại sao có tỉnh làm tốt, có tỉnh trì trệ là câu hỏi đặt ra cho các đồng chí. Bộ Xây dựng đã đình chỉ công tác đối với cán bộ chậm trễ, còn chúng ta đã đình chỉ cán bộ nào chậm trễ chưa?” – Thủ tướng đặt câu hỏi khi đề cập đến trách nhiệm của Chính phủ và các địa phương trước nhiệm vụ phải giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công lên đến hơn 633.000 tỉ đồng từ đây đến cuối năm.
Các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam mới chỉ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 38,3% tổng vốn được giao – Ảnh: T.T.D.
Phải xử lý người đứng đầu
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tỉ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 159.397 tỉ đồng, đạt 33,9% kế hoạch.
Cụ thể, vốn trong nước 145.270 tỉ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài hơn 7.061 tỉ đồng (đạt 12,52% kế hoạch) và vốn chương trình mục tiêu quốc gia ở mức 7.065 tỉ đồng (25,85% kế hoạch).
Trong đó, có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%. Nhưng có đến 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, và có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
Theo ông Dũng, Bộ KH-ĐT từng chỉ ra 6 nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian dài vừa qua nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến, thay đổi.
Đơn cử một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng và quản lý chi phí theo quy định của Chính phủ. Một số quy định giữa nghị định 68 và thông tư hướng dẫn chưa thống nhất, gây ra vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, như là quy định về chuyển tiếp. Hoặc quy định về xử lý đất công xen cài và tài sản công trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công.
Riêng các quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA tại điều 19 nghị định số 56 áp dụng chung cho các dự án ODA đã gây khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục không cần thiết, do chưa tính đến những đặc thù cũng như phân loại dự án ODA cần phải điều chỉnh để đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho việc điều chỉnh dự án.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trở ngại lớn nhất với các dự án đầu tư công là việc giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương, bộ ngành đang có dự án đều rất chậm trễ.
“Nếu mặt bằng không được giải phóng, chúng tôi không làm được gì cả. Tôi đề nghị nếu địa phương không hoàn thành việc giao mặt bằng, Thủ tướng sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương” – ông Thể đề xuất.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh:
Thay ban quản lý dự án nếu không làm đượcSự quan tâm của lãnh đạo các tỉnh thành, bộ ngành có dự án ODA chưa thật sự sâu sát, chưa thúc đẩy mạnh, chủ yếu dựa vào sự điều hành của các ban quản lý dự án. Mà các ban quản lý dự án này nếu họ không tích cực thì không thể triển khai được.
Có thực tế là để có được dự án ODA, quá trình chuẩn bị rất lâu, qua rất nhiều thủ tục. Nhưng khi có dự án rồi lại không thúc đẩy, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Trong khi bản chất của các dự án ODA đều đặt ra vấn đề giải phóng mặt bằng là dùng vốn đối ứng, phải có sẵn sàng. Càng chậm trễ dự án bao nhiêu, nợ vay càng kéo dài. Cho nên, cần thiết phải thay toàn bộ ban quản lý dự án nếu năng lực khônglàm được.
Hải Phòng: nhiều dự án chưa giải ngân
Trong năm 2020, Hải Phòng được trung ương giao kế hoạch vốn đầu tư công trên 8.713 tỉ đồng, HĐND TP giao gần 12.408 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 5-2020, theo thống kê của Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP Hải Phòng, có tới 77/159 dự án bố trí vốn từ ngân sách TP vẫn chưa thực hiện giải ngân.
Một số chủ đầu tư, BQL dự án chưa gửi hồ sơ tới KBNN để thanh toán như Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Viện KSND, Liên đoàn Lao động, Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư phát triển đô thị, Công ty TNHH MTV Xổ số Hải Phòng, Thành đoàn Hải Phòng, UBND huyện Bạch Long Vỹ…
Các BQL dự án chuyên ngành được bố trí tổng số vốn 6.446 tỉ đồng nhưng số giải ngân cũng thấp, mới đạt 1.329 tỉ đồng. Các quận, huyện được bố trí kế hoạch vốn là 5.904 tỉ đồng nhưng giải ngân mới chỉ đạt 597 tỉ đồng, bằng 12,19%. Trong đó, các huyện An Lão và Bạch Long Vỹ chưa có dự án nào giải ngân vốn.
Ông Nguyễn Xuân Bình – phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng – thừa nhận việc giải ngân đầu tư công trên địa bàn thời gian qua vẫn còn chậm, đồng thời cho biết TP đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, BQL dự án… khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thi công bởi phải có khối lượng thi công mới có thể giải ngân được nguồn vốn đã bố trí.
TIẾN THẮNG
Nguồn: tuoitre.vn