Người tiêu dùng có thể khởi kiện Grab để đảm bảo quyền lợi được quy định tại Luật bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, Grab đã xin lùi báo cáo cung cấp thông tin liên quan đến việc thu phụ phí tới cơ quan chức năng.
Grab chạy giao hàng trên đường Út Tịch, quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, mặc dù đã qua thời hạn (ngày 18-7) nhưng Grab vẫn chưa có báo cáo gửi Bộ Công thương. Được biết, hãng taxi công nghệ này đã có văn bản gửi cơ quan chức năng xin lùi thời hạn gửi báo cáo và đã được chấp thuận.
Trước đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí được hãng này đưa ra từ ngày 6-7 tại Hà Nội và TP.HCM.
Đơn cử như “phụ phí nắng nóng” 5.000 đồng với mỗi chuyến GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart, mức phí này với dịch vụ Grab Express là 3.000 đồng/đơn hàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Vũ Ngọc Bảo cho rằng người tiêu dùng có thể khởi kiện Grab theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng.
Cụ thể, luật này quy định cho phép người tiêu dùng có thể tự mình khởi kiện hoặc ủy quyền cho đơn vị khác để thực hiện việc khởi kiện liên quan.
Bởi với việc đưa ra các mức phụ phí như trên, Grab có thể vi phạm quy định liên quan đến việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm khi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng theo quy định của Luật cạnh tranh.
“Trong trường hợp này, người tiêu dùng có thể ủy quyền cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng thể hiện vai trò của mình để khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi của mình, liên quan đến hành vi bị cấm là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường liên quan tới việc áp đặt giá bán, giá mua hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng” – ông Bảo nói.
Tuy vậy, để có căn cứ xác định về việc Grab có thống lĩnh thị trường hay không thì ông Bảo cho rằng nên mở cuộc điều tra để đánh giá lại thị trường trên cơ sở điều 24 của Luật cạnh tranh.
Trên thực tế, theo báo cáo của ABI Research cho biết, thị phần của Grab năm 2021 lên tới 74,6%. Ngoài ra, trong vụ kiện giữa Grab với Uber trước đây, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng đã từng làm khảo sát thị phần các hãng taxi công nghệ, cho thấy Grab chiến thị phần chi phối.
“Một cá nhân thì không đủ nguồn lực khảo sát, đánh giá nên cần phải có tổ chức, cơ quan nghiên cứu đầy đủ. Việc cơ quan cạnh tranh điều tra mới làm căn cứ xác định rõ hành vi này có vi phạm hay không” – ông Bảo cho hay.
Đồng thời, vị luật sư này cũng cho rằng Grab đã vào thị trường Việt Nam trên cơ sở được cho phép thí điểm áp dụng công nghệ vào dịch vụ vận tải của Bộ Giao thông vận tải.
Do đó, sau quá trình áp dụng thì bộ này cần có tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện, để có giải pháp quản lý. Thế nhưng, hiện bộ này cũng chưa có đánh giá, tổng hợp về việc là sau khi áp dụng thử nghiệm như vậy thì họ đưa ra bài học gì, nên thay đổi hay tổ chức lại hoạt động hay không.
Ông cho rằng các hợp đồng Grab cung ứng cho đối tác của họ là những tài xế xe ôm công nghệ là hợp đồng điện tử cần phải chuẩn hóa; hợp đồng cung ứng dich vụ chạy xe, đứng ra cung cấp dịch vụ này thì vai trò của Grab là bên như thế nào thì cơ quan quản lý cần kiểm soát. Người tiêu dùng cũng cần quan tâm về hợp đồng điện tử trước khi cài và sử dụng app.
Quy trình khiếu nại vụ việc cạnh tranh như thế nào?
Theo điều 77 về vụ việc cạnh tranh của Luật cạnh tranh, trong trường hợp tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh có quyền thực hiện khiếu nại vụ việc cạnh tranh đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Thời hiệu khiếu nại là 3 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện. Hồ sơ khiếu nại bao gồm đơn khiếu nại; căn cứ để chứng minh các nội dung khiếu nại; thông tin, chứng cứ liên quan và chịu trách nhiệm về các thông tin khiếu nại.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng có thể tự tiến hành điều tra theo trình tự, thủ tục điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong đó, quy định Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong thời hạn 3 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện được quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm không đồng tình khi Grab đưa ra mức phụ phí như trên và đề nghị hãng taxi công nghệ này cần xem tính hợp lý của các loại phụ phí. Ông đề nghị các cơ quan chức năng cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, song chưa đề cập đến vấn đề khởi kiện.
Nguồn: tuoitre.vn