Có một nghịch lý đau lòng: từ quả xoài cho đến gói mì nếu xuất khẩu ra nước ngoài đều được kiểm soát rất chặt, trong khi đó thực phẩm cho người dân mình ăn bán ở các chợ đầu mối mỗi khi công bố là “rùng mình”. Sao vậy?
Nguồn hàng nhập về chợ đầu mối vừa túi tiền dân nghèo nhưng người dân không biết mình sẽ ăn thực phẩm sạch hay bẩn – Ảnh: Tư liệu TTO
Nhằm góp thêm một góc nhìn, diễn đàn an toàn thực phẩm giới thiệu bài viết của bạn đọc Khánh Hưng.
“Những bài báo gần đây của Tuổi Trẻ về an toàn thực phẩm khiến tôi nhớ đến nhiều năm trước chúng ta đã bàn luận nhiều về vấn đề này. Cụ thể, chỉ cần gõ “an toàn thực phẩm” là chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều bài báo cũ lẫn những lời hứa hẹn giải quyết. Nhưng qua nhiều năm, món nợ này vẫn chưa trả!
Thật lòng mà nói, khi đọc thông tin “50% mẫu rau quả ở chợ đầu mối TP.HCM có dư lượng hóa chất”, tôi không bất ngờ lắm. Nói đúng hơn, từ ngày vào làm việc và sống ở Sài Gòn, mỗi lần đi chợ là một lần tôi “cắn răng chịu đựng” vì không biết mình sẽ ăn thực phẩm sạch hay bẩn.
Bạn còn nhớ chuyện rau muống tưới nhớt cách đây 6 năm hay không? Tôi thì nhớ như in lần đi chợ và mua rau muống về. Bó rau nhìn bề ngoài rất ngon, xanh mướt, không quá mập mạp (tôi sợ rau cọng to bị tưới chất kích thích) nhưng khi tôi luộc thì ôi thôi nước luộc đen ngòm.
Lần đó, vừa đổ nồi rau muống tôi vừa sợ, và cả tháng tiếp theo tôi không dám mua rau muống nữa. Nhưng rồi khi đổi qua ăn rau cải, rau dền thực sự tôi cũng không thể biết rau có sạch hay không?
Một số người bạn khuyên tôi rằng giữa rừng thực phẩm bẩn thế này nên tiêu dùng thông minh hơn. Cụ thể, tốt nhất là tìm đến những siêu thị, cửa hàng bán rau sạch đóng gói, có nhãn mác, nhập khẩu càng tốt. Thời gian đầu, tôi cũng tìm đến những địa chỉ này nhưng sau đó đành ngậm ngùi quay về chợ lẻ vì lý do giá vượt quá mức thu nhập.
Thực tế này càng nghĩ càng cay đắng: Người giàu có cơ hội ăn thực phẩm sạch, họ sẽ không tiêu thụ thực phẩm từ chợ đầu mối đâu. Còn những người nghèo, những người lao động phổ thông, những người dân có mức thu nhập chưa đủ để ăn rau sạch, họ tiếp tục vừa ăn vừa lo.
Quay lại thông tin “50% mẫu rau quả ở chợ đầu mối TP.HCM có dư lượng hóa chất”, tôi tự hỏi đây có phải là lịch kiểm tra định kỳ? Tức là từ trước đó rất lâu chuyện rau quả thừa hóa chất độc hại đã có rồi? Bao nhiêu người dân đã mua và ăn phải những sản phẩm này?
Vâng, có lẽ rất nhiều người đã phải ăn những thực phẩm đáng ra phải bỏ đi này!
Và khi nhớ lại nhiều năm trước, chúng ta cũng từng nghe những công bố thế này. Thời điểm đó cũng có những hô hào, những giải pháp, vậy vì sao đến nay vẫn có con số 50% đáng đau lòng đó? Món nợ mà các cơ quan chức năng hứa hẹn đã trả được hay chưa?
Thêm một điều tôi thắc mắc, vì sao cơ quan chức năng không công bố tên tuổi mặt hàng rau củ có dư lượng hóa chất đó? Hay bây giờ, với những người dân như tôi thì cần làm gì để tránh ăn phải rau củ độc hại?
Có một nghịch lý đau lòng, thực phẩm sạch từ quả xoài cho đến gói mì nếu xuất khẩu ra nước ngoài sẽ được kiểm soát rất chặt, còn thực phẩm cho người dân mình ăn cứ vài năm người dân lại “rùng mình”.
Kết lại bài viết, tôi muốn nhắc lại một bài báo trên Tuổi Trẻ đã khá lâu rồi, ở đó có hình ảnh một người Nhật lên Lâm Đồng trồng rau sạch. Và việc làm đầu tiên của ông là ăn rau ngay tại vườn trước khi đem bán.
Nếu soi chiếu hình ảnh đó vào các cơ quan chức năng thì họ sẽ nghĩ gì? Nếu soi chiếu vào những người trồng rau củ họ sẽ cảm thấy ra sao?”.
Hằng ngày đối diện với thực phẩm độc hại đang bủa vây bữa ăn của mình và gia đình, bạn muốn góp ý gì để giải quyết tận gốc vấn nạn này?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế… kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Nguồn: tuoitre.vn