Sau khoảng thời gian tăng nóng và bùng nổ lợi nhuận ở năm 2021, sang năm 2022 thị trường chứng khoán đã bị điều chỉnh mạnh và giảm sâu, khiến nhiều công ty chứng khoán cũng bị lỗ nặng do hoạt động mua bán chứng khoán.
Nhiều công ty chứng khoán bị lỗ nặng từ hoạt động tự doanh – mua bán chứng khoán – Ảnh: BÔNG MAI
Thị trường chứng khoán trải qua nửa đầu năm 2022 đầy sóng gió, với hàng loạt thông tin không thuận lợi như xung đột Nga – Ukraine kéo dài, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát…
Sau khi lập đỉnh lịch sử vào hồi đầu năm (ngày 6-1, với 1.528,57 điểm), đến nay chỉ số VN-Index giảm hơn 333 điểm. Trong khoảng thời gian đó, riêng vốn hóa sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng bị “bốc hơi” hơn 1,2 triệu tỉ đồng.
Giữa lúc thị trường đỏ lửa, không chỉ những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị thua lỗ, đến nay chưa thể “về bờ”, nhiều công ty chứng khoán cũng bị lỗ nặng với hoạt động tự doanh – mua bán chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính vừa được Chứng khoán APEC (mã APS) công bố, chỉ riêng trong quý 2-2022 công ty đã lỗ tới 474 tỉ đồng từ hoạt động tự doanh. Sau khi cộng trừ các khoản thu nhập và chi phí khác, tổng kết quý doanh nghiệp này bị lỗ ròng sau thuế gần 363 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 9.330% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Nguyễn Đỗ Lăng – tổng giám đốc Chứng khoán APEC – thừa nhận kết quả kinh doanh thụt lùi phần lớn do hoạt động tự doanh chứng khoán gây nên.
Trong danh mục đầu tư của công ty chứng khoán này có các mã IDJ (Đầu tư IDJ Việt Nam), API (Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương), NBB (Năm Bảy Bảy), TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy), AAT (Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa), PHC (Xây dựng Phục Hưng Holdings), CEO (Tập đoàn C.E.O)…
Ở Công ty CP chứng khoán Tiên Phong – TPS (mã ORS, một thành viên thuộc hệ sinh thái của TPBank), kết quả kinh doanh quý 2 cũng không kém phần ảm đạm.
Mặc dù doanh thu hoạt động trong quý tăng lên mốc 660 tỉ đồng (+132% so với cùng kỳ năm trước), cả lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng, song doanh nghiệp cho biết do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm, nên doanh thu mảng môi giới bị giảm theo (-27% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn xấp xỉ 18 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, việc phải cắt lỗ hàng loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục đầu tư cũng khiến doanh nghiệp phải hạch toán lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) gần 528 tỉ đồng (+488%).
Danh mục đầu tư của Chứng khoán Tiên Phong gồm có SSI (Chứng khoán SSI), VND (Chứng khoán VNDirect), HCM (Chứng khoán TP.HCM), HNG (Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), BCG (Bamboo Capital)…
Tổng kết quý 2, doanh nghiệp gánh khoản lỗ ròng sau thuế gần 129 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi hơn 54 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết lên sàn chứng khoán.
Lũy kế nửa đầu năm 2022, Chứng khoán Tiên Phong gặt hái được tổng doanh thu gần 1.430 tỉ đồng (+164%), song lợi nhuận sau thuế chỉ còn xấp xỉ 93 tỉ đồng (-39%).
Trong lúc thị trường chứng khoán thuận lợi, thanh khoản bùng nổ, quý 2 năm trước Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mang về khoản lãi ròng sau thuế gần 149 tỉ đồng. Tuy nhiên niềm vui không kéo dài lâu, sang quý 2 năm nay công ty này báo lỗ ròng gần 234 tỉ đồng.
Giải trình với cơ quan quản lý, ông Lê Minh Hiền – phó tổng giám đốc của Rồng Việt – cho biết diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi đã “ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Rồng Việt, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới”.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty chứng khoán này bị lỗ ròng sau thuế 129 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 247 tỉ đồng.
Rổ danh mục đầu tư của Rồng Việt gồm CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), DBC (Dabaco)…
Trên thị trường, nhiều công ty chứng khoán khác cũng chung cảnh lỗ nặng từ mảng tự doanh như Chứng khoán VPS – doanh nghiệp liên tục dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Chứng khoán Bảo Minh (BMS), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), Chứng khoán Liên Việt (LVS)…
Nguồn: tuoitre.vn