Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8

Nhiều giải pháp để hạ nhiệt giá thịt heo; Đề nghị không thí điểm cho sử dụng thuốc lá kiểu mới; TP.HCM áp dụng mức thu phí hạ tầng cảng biển mới từ ngày 1-8… là những tin đáng chú ý sáng nay.

Quy định mới về nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và truyền thông

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26-7-2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và truyền thông.

Nghị định nêu rõ: Bộ Thông tin và truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử; chuyển đổi số quốc gia và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện 36 nhiệm vụ và quyền hạn, với cơ cấu tổ chức gồm 26 đơn vị. Chi tiết xem tại đây.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 26-7-2022, thay thế nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17-2-2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và truyền thông.

Nhiều giải pháp để hạ nhiệt giá thịt heo

Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 1.

Sau thời gian tăng nóng, hiện giá heo đã chững lại và giảm nhẹ, đang ở mức xung quanh 70.000 đồng/kg – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 26-7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái trước diễn biến giá thịt heo và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ đang chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. 

Bộ cũng tích cực phối hợp, hướng dẫn các địa phương trên cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng ngành, đồng thời bảo đảm nguồn cung về giống, vật tư và sản phẩm… giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, giá thành sản xuất…

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cũng đã đi một số địa phương kiểm tra thực tế, không có tình trạng thiếu hụt heo hơi, nguồn cung vẫn đảm bảo.

Gần 300 doanh nghiệp dệt may quốc tế giới thiệu sản phẩm mới ở TP.HCM

Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp nỗ lực cải tiến sản phẩm để xuất khẩu sang các nước – Ảnh: NGỌC HIỂN

Từ ngày 27 đến 30-7-2022, tại Trung tâm Triển lãm và hội nghị Sài Gòn (quận 7, TP.HCM) diễn ra SaigonTex & SaigonFabric 2022 – triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may lớn nhất tại Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online rạng sáng 27-7, ban tổ chức cho biết đây là sự kiện quốc tế về ngành dệt may đầu tiên kể từ năm 2019. Triển lãm lần này tập trung các loại máy may công nghiệp chất lượng cao và hệ thống công nghệ tự động hóa cao, cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho ngành may mặc. 

Trong khuôn khổ triển lãm, ban tổ chức sẽ có những cuộc hội thảo giới thiệu các xu hướng thời trang và sản phẩm mới.

Triển lãm thu hút hơn 278 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Đức, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Đề xuất nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai

Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 3.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai – Ảnh: C.T.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Theo đó, đề xuất nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay (1,25 – 2 lần hiện tại), phân theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi để có mức hỗ trợ phù hợp.

Cụ thể, đối với lúa gieo trồng dưới 10 ngày, nếu bị thiệt hại trên 70% diện tích thì hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% diện tích thì hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha. Lúa gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày bị thiệt hại trên 70% diện tích thì hỗ trợ 6 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% diện tích hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Lúa gieo trồng trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 9 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% diện tích, hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha…

Đối với mạ, nếu bị thiệt hại trên 70% diện tích thì hỗ trợ 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% diện tích, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. 

Đối với cá tra nuôi thâm canh, nếu diện tích bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 25,5-30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ từ 15-20 triệu đồng/ha…

Đồng thời, bổ sung mức hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia công tác thống kê, xác nhận thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và người tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh động vật với mức 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày và mức 300.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

TP.HCM áp dụng mức thu phí hạ tầng cảng biển mới từ ngày 1-8

Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 4.

Nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ được TP.HCM đầu tư các đường vào cảng – Ảnh: CHÂU TUẤN

Kể từ ngày 1-8-2022, TP.HCM bắt đầu triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn. 

Theo đó, đối tượng thực hiện là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng các hạng mục như trên.

Mức phí từ 250.000 – 2.200.000 đồng/container, tùy khối lượng container và đối tượng; 15.000 – 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng container, hàng đóng ghép chung container của nhiều chủ hàng.

Các loại hàng hóa được miễn thu phí gồm: hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh quốc phòng; hàng hóa xuất, nhập khẩu phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, hàng gởi kho ngoại quan, quá cảnh, chuyển khẩu, xuất nhập khẩu hoạt động trên các tuyến đường thủy theo hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia.

Ngoài ra, giảm 50% mức phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, hàng gởi kho ngoại quan, quá cảnh, chuyển khẩu, xuất nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy.

Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 5.

Mức thu phí hạ tầng cảng biển mới – Nguồn: Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM

Đề nghị không thí điểm cho sử dụng thuốc lá kiểu mới

Trước đề xuất cho thí điểm sử dụng thuốc lá kiểu mới trong 2 năm, bà Trần Thị Trang, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết hiện có 11 quốc gia đã cấm sử dụng thuốc lá nung nóng, trong đó có những quốc gia lân cận Việt Nam.

“Nếu cho phép thí điểm sẽ có nhiều vấn đề pháp lý xảy ra do văn bản hiện có không điều chỉnh loại sản phẩm này. Nếu chỉ cho phép trên quan điểm thuần túy kinh doanh mà không nghiên cứu những hệ lụy tới sức khỏe người dân là vội vàng”, bà Trang nói.

Bà Trang cũng cho biết ngay ở Mỹ cho phép sử dụng thuốc lá kiểu mới sau đó lại phải cấm/hạn chế, lý do là tỉ lệ sử dụng loại sản phẩm này tăng hơn 30% ở thanh thiếu niên. Vì thế không nên cho phép sử dụng sản phẩm liên quan tới sức khỏe khi chưa nhận thức được hết nguy cơ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam), hiện chưa có bằng chứng cho rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít tác hại hơn loại thuốc lá truyền thống, chưa kể Việt Nam hiện cũng chưa có đủ phương tiện, thiết bị để kiểm nghiệm loại sản phẩm này. Ông Lâm cũng cho biết trường hợp người sử dụng thuốc lá điện tử thời gian dài, nồng độ các chất độc hại có thể tương đương thuốc lá bình thường.

TP.HCM khảo sát công tác phòng chống sốt xuất huyết

Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 6.

Một bệnh nhi bị mắc sốt xuất huyết nguy kịch từng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – Ảnh: X.MAI

Sáng nay 27-7, Ban Văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM tổ chức khảo sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết với Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.

Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn đang ở mức cao. Từ ngày 15 đến 21-7, TP ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết trong năm nay lên 13 trường hợp.

Có 12/22 quận huyện và TP Thủ Đức có số ca sốt xuất huyết tăng ở mức cao gồm: quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Cần Giờ và TP Thủ Đức.

Toàn TP ghi nhận 209 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 101 phường, xã thuộc 19/22 quận, huyện và TP Thủ Đức; giảm 41 ổ dịch mới so với tuần trước (250 ổ dịch).

Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 7.
Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 8.
Tin sáng 27-7: Nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thịt heo; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển mới từ 1-8 - Ảnh 9.

GIÁ VÀNG HÔM NAY

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: