Theo bạn đọc Trần Huỳnh Tuyết Như, thay cho cử chỉ nồng hậu chào đón khách, một số nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất đã đáp lại bằng ánh mắt sắc lẹm, không một nụ cười, thậm chí bực dọc khi khách nhờ giúp đỡ. Và đây là điểm trừ.
Người lớn tuổi được nhân viên mặt đất hỗ trợ xe lăn, dùng lối ưu tiên để làm thủ tục nhanh chóng. Đây là điểm cộng đáng nhân rộng, phát huy ở sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: CÔNG TRUNG
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của bạn đọc Trần Huỳnh Tuyết Như tham gia diễn đàn Làm gì để sân bay Tân Sơn Nhất văn minh, lịch sự?
“Cách đây vài ngày, tôi có chuyến bay từ Malaysia về Việt Nam. Khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, hai mẹ con tôi rất bối rối vì liên tục nhận được lời mời gọi từ các hãng xe taxi công nghệ.
Biết trước tình hình hỗn loạn, khó lòng bắt được xe bên ngoài, nên dù không đồng tình lắm với mức giá 250.000 đồng cho khoảng đường di chuyển từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về nhà ở quận Tân Phú (TP.HCM) nhưng chúng tôi vẫn gật đầu đồng ý.
Thế nhưng, điều oái oăm là bạn nhân viên điều hành xe sau khi thu tiền của chúng tôi thì đi nhanh như một cơn gió, bất chấp hai mẹ con tôi “tay xách nách mang” khệ nệ với vô số vali ở phía sau. Cuối cùng, hai mẹ con tôi lạc nhau giữa khung cảnh hỗn loạn của sân bay.
Do vừa xuống máy bay nên điện thoại chưa bắt được sóng, tôi liên lạc mãi với mẹ mình không được. Vô vọng, tôi quay trở ngược vào sân bay định nhờ nhân viên sân bay thông báo hoặc có phương thức trợ giúp nào đó.
Nhưng trái ngược với suy nghĩ của tôi, anh nhân viên an ninh tại sân bay lừ mắt nhìn tôi, hất hàm hỏi: “Cô đi đâu đây?”.
Khi thấy tôi trình bày việc lạc mất người thân, định nhờ thông báo giúp lên loa chung của sân bay hoặc hỗ trợ bằng phương thức nào đó, anh lắc đầu, không đáp lại lời, tỏ vẻ rất bực bội.
Cá nhân tôi đã từng đến rất nhiều sân bay khác nhau trên thế giới nhưng chưa bao giờ thấy cách hành xử kém thân thiện với hành khách như ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Rất may tôi là người Việt Nam và đã trưởng thành nên dù hơi bối rối với tình huống trên vẫn có cách giải quyết. Nếu đổi ngược lại là khách quốc tế hoặc trẻ con lần đầu đến Việt Nam không rõ sẽ xoay xở ra sao với tình huống trên.
Cuối cùng, phải mất gần 30 phút tìm kiếm khắp các ngõ ngách, chúng tôi mới tìm được nhau.
Nhưng như thế vẫn còn may mắn hơn những hành khách lần đầu đáp máy bay xuống Việt Nam hoặc Việt kiều quay về nước, nhìn thấy cảnh sân bay mà bơ vơ chẳng biết hỏi ai, chỉ đành ngao ngán kéo hành lý đi khắp nơi tìm taxi hoặc chấp nhận chờ đợi một khoảng thời gian khá lâu để bắt được xe.
Từ câu chuyện không hay này, tôi nhớ đến năm 2015, trong một chuyến đi Hàn Quốc, chúng tôi đến sân bay Kimpo (hiện gọi là Gimpo). Khi đó, sân bay Incheon còn chưa mở cửa. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi đi nhanh ra ngoài vì xe của khách sạn đang chờ.
Xe chuyển bánh, tôi ngạc nhiên khi thấy một bác nhân viên an ninh đang cố gắng chạy theo chúng tôi thật nhanh. Hóa ra, ông muốn báo rằng có người trong nhóm của chúng tôi đã bỏ quên 2 vali hành lý giữa sân bay, nơi đông người qua lại. Chúng tôi đã dừng xe, nhận lại hành lý và chân thành cảm ơn ông.
Đó là ấn tượng cực kỳ tốt đẹp của chúng tôi về đất nước Hàn Quốc với những con người tử tế và chân thật, dù chúng tôi bất đồng ngôn ngữ.
Trở về Việt Nam, ngồi giữa sân bay Tân Sơn Nhất, tôi vẫn thường tự hỏi biết đến bao giờ các nhân viên hàng không tại đây biết cách chào đón du khách đến với Việt Nam một cách thân thiện như truyền thống tốt đẹp xưa nay của dân tộc ta.
Cá nhân tôi cho rằng ngoài những giải pháp để có thể nhanh chóng thực hiện để giảm bớt ùn tắc trong sân bay Tân Sơn Nhất như thu phí tự động, miễn phí cho xe ra vào sân bay dưới 10 phút, phân luồng…, thì việc trang bị ý thức hành xử văn minh, thân thiện cho đội ngũ nhân viên phục vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất là cực kỳ cần thiết.
Cứ thử tưởng tượng, có những vị khách quốc tế phải trải qua một chuyến bay cực kỳ dài tận mười mấy giờ đồng hồ, thậm chí cả ngày để đến Việt Nam. Sau một hành trình dài mỏi mệt như thế trên máy bay, điều họ muốn thấy đương nhiên là sự đón tiếp vui vẻ, nồng hậu thay vì những gương mặt nặng nhẹ và trịch thượng.
Thời gian gần đây, đến cả ngành công an còn có khóa học cho nhân viên giao tiếp thân thiện hơn với người dân, thì lý gì mà nhân viên sân bay lại không thể học để cải thiện nụ cười và bày tỏ sự tử tế với khách hàng.
Tôi còn nhớ vào năm 2014, cùng với sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã lọt vào top 10 sân bay tệ nhất châu Á theo bình chọn của trang mạng Sleepinginairports.
Theo đó, chất lượng phục vụ hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất còn yếu kém một phần do không đủ đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng tăng cao dẫn tới tình trạng sân quá tải, nhưng mặt khác còn do thái độ phục vụ của nhân viên và chất lượng dịch vụ tại sân bay chưa tốt.
Khác hẳn với những panô, ápphích quảng bá vẻ đẹp tuyệt vời của nụ cười luôn nở trên môi các cô tiếp viên, du khách thật “khó hơn đãi vàng” để tìm được nụ cười từ người thật, việc thật.
Nhiều người bạn nước ngoài của tôi chia sẻ, khi đến Việt Nam, bước xuống máy bay để làm thủ tục nhập cảnh, họ đã không mấy thiện cảm.
Ánh mắt sắc lẹm, không một nụ cười của nhân viên sân bay khiến họ có cảm giác mình không được chào đón.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên đầu tư hơn cho chất lượng phục vụ và thái độ thân thiện của đội ngũ nhân viên phục vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất, để bảo vệ và giữ vững hình ảnh tốt đẹp, tử tế của người Việt Nam trước mắt bạn bè thế giới”.
Để sân bay Tân Sơn Nhất mang lại sự lịch thiệp, trang trọng cần có của cảng hàng không, theo bạn cần những giải pháp nào để dẹp bỏ cảnh chèo kéo khách?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế… kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Nguồn: tuoitre.vn