Quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến đạt 32,31 tỷ USD năm 2026

Thị trường nền tảng quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến tăng từ 18,85 lên 32,31 tỷ USD trong 5 năm, mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 11,4%.

Phân tích mới đây của Frost & Sullivan về cơ hội gia tăng khả năng hiển thị hàng hóa toàn cầu cho thấy chỉ số này có ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực liên quan đến hậu cần và vận tải. Ngày 28/7, đơn vị này công bố trong báo cáo “Cơ hội tăng trưởng khả năng hiển thị hàng hóa toàn cầu” rằng chuỗi cung ứng toàn cầu giữa các ngành ngày càng diễn biến phức tạp. Đơn cử như sự chậm trễ giao hàng nhưng không có thông báo rõ ràng đến người nhận lẫn gửi.

Mugundhan Deenadayalan, chuyên gia phân tích ngành cao cấp về Mobility tại Frost & Sullivan cho biết các nền tảng hỗ trợ tăng khả năng hiển thị đã thay đổi nền tảng quản lý logistics xuất nhập hàng của các bên liên quan. Những cải tiến và cập nhật, ứng dụng công nghệ vào hệ thống này đã giúp các doanh nghiệp cắt giảm phần nào chi phí quản lý. Đồng thời, các tính năng của nền tảng cũng giúp dự đoán lộ trình, thời gian giao vận, giúp tối ưu hiệu suất vận chuyển và điều phối chuỗi cung ứng đầu cuối.

Vị chuyên gia Frost & Sullivan cũng nhấn mạnh về sự hợp tác giữa các nền tảng chia sẻ dữ liệu và khả năng hiển thị hàng hóa, sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng phát triển. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan cũng nhận được sự hỗ trợ về thông tin liên ngành và quy trình quản lý hiệu quả hơn.

Các container được chuyển từ tàu lên đất liền tại cảng Los Angeles, California, Mỹ, ngày 22/11/2021. Ảnh: Mike Blake

Các container được chuyển từ tàu lên đất liền tại cảng Los Angeles, California, Mỹ, ngày 22/11/2021. Ảnh: Mike Blake

Ngoài ra, việc mở rộng tích hợp hệ thống đối tác và các mô hình chiến lược sẽ giúp định vị các nền tảng khả năng hiển thị. Theo đó, các nền tảng này sẽ được xem như một khung quy chuẩn về ứng dụng công nghệ thông minh vào vận hành chuỗi cung ứng.

Mặt khác, tình trạng thiếu tài nguyên kéo dài và giá năng lượng ngày càng tăng cũng khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ hậu cần và dữ liệu duy trì ở mức cao. Theo đó, các doanh nghiệp ngành này được chuyên gia gợi ý nên khuyến khích người gửi hàng sử dụng các nền tảng khả năng hiển thị hàng hóa.

Qua các ứng dụng này, họ có thể hỗ trợ các đối tác thương mại và nhà cung cấp cải thiện uy tín với người tiêu dùng, khách hàng, đối tác. Ngoài ra doanh nghiệp cũng dễ dàng trở thành đối tác đáng tin cậy trong mắt các tổ chức tài chính và các công ty cho vay tư nhân, giảm thiểu rủi ro trong các giai đoạn vận chuyển hàng hóa.

Các chuyên gia cũng đưa ra dự đoán rằng việc áp dụng nền tảng khả năng hiển thị với mục đích thúc đẩy hiện đại hóa cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến sự phát triển của lĩnh vực xe điện và các khu công nghiệp logistics. Cơ hội tăng trưởng khả năng hiển thị hàng hóa toàn cầu là bước tiến mới trong nghiên cứu và phân tích về Mobility của Frost & Sullivan. Theo đó, các phân tích và báo cáo mới nhất của đơn vị này về khả năng hiển thị hàng hóa đã góp phần giúp các tổ chức xác định cơ hội tăng trưởng liên tục.

Trong hơn sáu thập kỷ, Frost & Sullivan đã giúp xây dựng chiến lược tăng trưởng bền vững cho các công ty, chính phủ và nhà đầu tư trong danh sách Fortune 1000. Đơn vị áp dụng những thông tin chi tiết có thể ứng dụng để điều hướng thay đổi kinh tế, xác định các công nghệ mới và hình thành những mô hình kinh doanh mới, tạo cơ hội tăng trưởng sáng tạo, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của nền tảng kinh tế nói chung.

Nguyệt Di (Theo The Edge Markets)

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: