Tiến sĩ người Việt điều hành phòng nghiên cứu khí tượng tại Mỹ: ‘Tôi tự tạo áp lực’

Trở thành tiến sĩ ở tuổi 27, Trịnh Quang Toàn hiện 33 tuổi, là một trong những gương mặt có tiếng trong cộng đồng du học sinh Việt tại Mỹ, với vai trò điều hành phòng nghiên cứu khí tượng thủy văn tại ĐH California Davis (Hoa Kỳ).

Tiến sĩ người Việt điều hành phòng nghiên cứu khí tượng tại Mỹ: Tôi tự tạo áp lực - Ảnh 1.

TS Trịnh Quang Toàn bên gia đình nhỏ

TS Trịnh Quang Toàn từng là sinh viên Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội. Do có một số công bố quốc tế và đoạt nhiều giải thưởng khoa học từ khi ngồi trên giảng đường tại Việt Nam, anh sau đó được đặc cách học thẳng lên tiến sĩ tại ĐH California Davis (Hoa Kỳ) năm 2011.

* Anh đã chinh phục ngoại ngữ như thế nào khi xuất thân là dân chuyên hóa?

– Tôi nghĩ phần lớn người làm khoa học đều gặp thử thách về vấn đề này. Tôi cũng có khởi đầu khá chông gai, có những tiết học đầu tiên tại Mỹ tôi chẳng hiểu gì cả phần vì kiến thức quá mới mẻ, phần vì phải học bằng tiếng Anh. Trong khi đó trong khoa học thì không được viết thừa hoặc thiếu, mỗi câu đều phải hợp lý và có ý nghĩa, và cô đọng nhất có thể.

Nhưng tôi không ngại thử thách hay thất bại. Cá nhân tôi gặp thất bại nhiều hơn thành công, nhưng với tôi thì hầu hết các thất bại đều có ý nghĩa. Thành công quá sớm sẽ dễ mất phương hướng, còn thất bại khiến người ta nhớ kỹ và trưởng thành hơn.

Thời gian rảnh, tôi thích đọc sách. Có một điểm thú vị là rất nhiều sách tôi đọc lại về các lĩnh vực xã hội, bởi lẽ cuộc sống ngoài kia có quá nhiều điều thú vị cần khám phá.

TS TRỊNH QUANG TOÀN

* Tốt nghiệp một trường trung học chuyên hàng đầu tại Hà Nội, anh từng có phân vân khi chọn theo hướng học thủy lợi thay vì những ngành “hot” khác?

– Tôi rất may mắn khi gia đình luôn ủng hộ mọi quyết định của tôi, và tôi chưa từng hối hận về lựa chọn này. 

Mọi người thường nghĩ thủy lợi khá đặc thù và xa rời mọi thứ, thực tế thì thủy lợi lại liên quan mật thiết cuộc sống con người, an sinh xã hội và là tổng hợp kiến thức nhiều mảng như toán, khí tượng, trí tuệ nhân tạo, xã hội học, hóa học…

Tuy nhiên, một trăn trở là nếu như ở nước ngoài thì lao động ở mảng này khá được trân trọng, dễ kiếm việc trong khi lao động tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn ở đầu ra, từ đó dẫn đến hệ lụy là lực lượng lao động giỏi hiện nay và 10 – 15 năm tới trong ngành sẽ thiếu hụt ngày càng nghiêm trọng. 

Trong khi đó, bão lũ và thiên tai sẽ mỗi lúc một tăng lên cả về số lượng và cường độ, khó thể quản trị tốt nếu việc đào tạo nhân lực mảng này không được chú trọng.

* Ba năm làm xong tiến sĩ, không qua thạc sĩ, đó quả là “thần tốc”. Anh đã làm điều đó như thế nào?

– Tôi may mắn được một giáo sư giỏi hướng dẫn và tự thấy có nhiều cơ hội đến với mình. Tôi quan điểm là một khi đã may mắn thì phải trách nhiệm cao hơn. Tôi luôn tự tạo áp lực rất cao cho bản thân mình, luôn tranh thủ để tận dụng thời gian hiệu quả.

Cũng cần nói thêm, may mắn ở đây nghĩa là cơ hội cộng với sự chuẩn bị kỹ. Không có mục tiêu rõ rệt, sự chuẩn bị kỹ thì may mắn cũng khó thể xảy ra.

Tôi làm việc cũng như mọi người nhưng khi bắt đầu thì sẽ tập trung tối đa, không để những việc khác phân tâm.

Tôi cũng có một nguyên tắc là ngủ đủ và ngủ sớm dậy sớm, không bỏ bữa, không uống nhiều rượu bia và luôn chơi thể thao.

Làm trưởng phòng tại đại học Mỹ ở tuổi 30

Ba năm trước, TS Trịnh Quang Toàn đã được tín nhiệm làm trưởng phòng nghiên cứu khí tượng thủy văn của ĐH California Davis, nơi có nhiều đối tác ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và từng được Cục Công binh Mỹ tài trợ để phối hợp dự báo ảnh hưởng của siêu bão đến hệ thống hồ đập của nước này.

Ngoài ra, TS Toàn còn nằm trong ban biên tập của ba tạp chí chuyên ngành uy tín và tham gia biên tập hơn 220 bài báo. Bạn là một trong 100 nhà khoa học tiêu biểu người Việt ở nước ngoài trong chuỗi các hoạt động của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: