Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Đừng để nộp thuế là gánh nặng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa Luật thuế thu nhập cá nhân. Sửa như thế nào để nộp thuế không phải là gánh nặng đối với người làm công ăn lương phải là mục tiêu hàng đầu.

Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Đừng để nộp thuế là gánh nặng - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia đề nghị cần sửa ngay biểu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lũy tiến từng phần, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Cần sửa kịp thời Luật thuế thu nhập cá nhân ngay trong năm nay.

Biểu thuế nên giảm còn 4 bậc

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, kiến nghị vấn đề cần sửa đổi ngay là về bậc thuế lũy tiến từng phần. Cụ thể nên bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 – 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%.

Đồng thời, khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 5 – 10 triệu đồng, 10% áp dụng cho phần thu nhập từ 10 – 30 triệu đồng, còn 20% áp dụng cho thu nhập từ trên 30 – 60 triệu đồng, thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên mới áp dụng mức 30%.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, đề nghị giảm bậc thuế thu nhập cá nhân xuống còn 3 – 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống. Bởi quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao khiến gánh nặng, áp lực lớn đối với người làm công ăn lương.

Thực tế, số thu thuế thu nhập cá nhân đóng góp rất lớn, bằng khoảng 10% tổng thu ngân sách. Như năm 2021, dù dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến thu nhập cũng như đời sống kinh tế – xã hội nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn đạt khoảng 120.000 tỉ đồng.

Về biểu thuế lũy tiến từng phần, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật thuế thu nhập cá nhân.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng/tháng

Mặt khác, theo luật sư Trần Xoa, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh từ mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay lên mức 20 triệu đồng/tháng do thời gian qua vật giá tăng quá nhanh nên mức 11 triệu đồng/tháng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay nữa. Song song đó, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên tương ứng bằng 40% mức giảm trừ của người lao động.

Hiện thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày mà người dân phải chi trả. Chưa kể theo quy định phải khi CPI tăng 20% thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời.

Đánh giá về biến động CPI 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, theo ông Long, thời gian áp dụng vừa qua cho thấy quy định này gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Lạm phát của Việt Nam thường chỉ có tăng và trong 5 – 7 năm gần đây mức tăng khoảng 3 – 4%/năm. Nếu để cộng dồn CPI tăng 20% thì phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hằng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế rồi.

Về giải pháp sửa đổi nội dung này, ông Xoa đề xuất CPI chỉ cần tăng 10% là phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng cứ vài năm thay đổi một lần. Do đó tốt nhất là quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 5 lần lương tối thiểu vùng, khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo.

“Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ngành thuế đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Người làm công ăn lương dù thu nhập bị ảnh hưởng rất nhiều, vật giá lại leo thang. Theo tôi, cần thiết sửa ngay những bất cập trên để hỗ trợ người làm công ăn lương” – ông Xoa kiến nghị.

Đề nghị nâng mức thuế với người trúng số

Cùng với việc sửa đổi các bất cập chính sách thuế thu nhập cá nhân, ông Long cũng đề nghị nên rà soát, xem xét mức tính thuế đối với khoản thu nhập và có điều chỉnh phù hợp. Như thu nhập từ trúng thưởng xổ số, các trường hợp trúng giải với giá trị tiền thưởng hơn 10 triệu đồng thì mới phải đóng thuế. Sau khi trừ đi 10 triệu đồng, số thuế phải nộp bằng 10% số tiền thưởng còn lại.

Như vậy, có nhiều người may mắn trúng cả 100 tỉ đồng nhưng số tiền thuế thu nhập cá nhânphải nộp chỉ gần 10 tỉ đồng thôi. Trong khi với thu nhập từ tiền công và tiền lương, người nộp thuế phải bỏ công sức, thời gian, trí óc lao động vất vả cực nhọc nhưng phải nộp mức cao nhất tới 35%.

Mặt khác, mức quy định khấu trừ thuế với các khoản thu nhập vãng lai cũng cần điều chỉnh vì mức 2 triệu đồng áp dụng hơn 10 năm qua từ khi áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân và chính Bộ Tài chính, một số cục thuế cũng đề xuất nâng lên mức 5 triệu đồng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.

Mức giảm trừ gia cảnh ở đô thị phải cao hơn

Điểm bất cập cơ bản trong sắc thuế thu nhập cá nhân là thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) còn lâu và dài quá. Chuẩn nghèo gần đây đã được điều chỉnh tăng gấp đôi so với trước, mức giảm trừ gia cảnh dù đã điều chỉnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng thì vẫn quá thấp so với mức chi tiêu thực tế tại các đô thị như TP.HCM (vật giá cao khác xa nông thôn).

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh của lao động ở Hà Nội, TP.HCM nên cao hơn so với mức giảm trừ của lao động ở khu vực khác (chủ yếu là các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa).

Trong khi người đi làm công ăn lương đang phải đóng thuế thu nhập cá nhân với mức cao nhất lên 35% thì với những cá nhân có thu nhập khủng từ các mạng xã hội như Facebook, YouTube… chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhânmở mức 2%.

THANH HUY

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: