Người dùng rủ nhau chuyển app khi Zalo bắt đầu thu phí

Nhiều người dùng, doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển sang sử dụng ứng dụng khác, giảm dần sự phụ thuộc vào Zalo, thậm chí gỡ luôn app nếu thấy ‘bị bóp tính năng quá mức’ trong thời gian tới.

Người dùng rủ nhau chuyển app khi Zalo bắt đầu thu phí - Ảnh 1.

Việc Zalo hạn chế tính năng và thu phí đang tạo sự bàn tán rộng rãi trong cộng đồng mạng – Ảnh: ĐỨC THIỆN

Từ hôm 1-8, ứng dụng Zalo bắt đầu hạn chế một số tính năng, đồng thời bắt đầu thu phí người dùng nếu muốn sử dụng đầy đủ.

Làm cho một công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo, sản xuất video theo yêu cầu, anh Đào Hải (quận 1, TP.HCM), phụ trách kinh doanh Công ty GenZ, cho biết khách hàng đa số sử dụng Zalo nên đã dùng thử tính năng Business mới có trả phí của ứng dụng này.

Tuy nhiên, sau một thời gian dùng thử, anh Hải nhận xét: “Tính năng trả lời tự động không có gì mới, Facebook đã có từ lâu. Chưa kể tính năng này khá phiền phức vì khách hàng chat hệ thống chỉ trả lời duy nhất 1 câu liên tục, chứ không như chatbot của Facebook hay Telegram”.

Đặc biệt, anh Hải cho rằng mức phí Zalo đưa ra là quá cao. “Bản Pro tôi đang sử dụng có giá cao hơn nhiều nếu so sánh với bản Premium của Telegram. Do đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tương tác với khách hàng qua các ứng dụng khác như Telegram, Viber, Whatsapp… Lâu dài, nếu khách hàng chuyển sang các nền tảng khác thì chúng tôi cũng sẽ chuyển theo”, anh Hải cho biết.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, việc thu phí của Zalo đang nhận được phản hồi tiêu cực từ đông đảo người dùng. Rất nhiều ý kiến cho rằng Zalo đang “lầm to” trong ý đồ thu tiền của người dùng Việt và Zalo không hề là “ứng dụng không thể thay thế” trên điện thoại của họ.

Chị Hà Châu (quận 1, TP.HCM) cho biết ứng dụng Telegram đang “nổi như cồn trên thế giới” nhưng khi thông báo mở gói Premium thu phí, “họ còn thêm tiện ích mở rộng cho người dùng Premium nhưng vẫn giữ các tiện ích hiện tại, khiến người dùng cảm thấy dễ chịu và nếu có ý định nâng cấp thì cũng sẽ vui vẻ hơn. Đằng này Zalo lại chơi chiêu trò “bóp” tính năng hiện có để thu phí”.

Trong khi đó, theo chị Thủy Tiên (quận 4, TP.HCM), thời gian gần đây Zalo từng bước giới hạn dịch vụ, chẳng hạn hình gửi chất lượng HD cũng bị giảm kích thước, không cho đăng nhập nhiều điện thoại hay máy tính cùng lúc…

“Có vẻ Zalo đang từng bước ép người dùng phải trả phí thì mới dùng được các tính năng vốn là điểm nổi trội xưa nay của họ, nhưng họ lại quên rằng người dùng vẫn còn rất nhiều app khác có chức năng còn tốt hơn Zalo”, chị Tiên nhận xét.

Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều ý kiến, bài viết lẫn bình luận trong các bài viết trên mạng xã hội Facebook có chung đánh giá của cộng đồng mạng: “Zalo hoàn toàn có thể bị thay thế, không xài Zalo thì xài cái khác, thậm chí có những app còn tích hợp nhiều tính năng thân thiện và ưu việt hơn”.

Từ khi Zalo công bố thu phí cũng như phản ứng của người dùng thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với đại diện truyền thông nền tảng này nhưng đều không được.

Trong khi đó, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) cho rằng: “Việc các nền tảng ứng dụng bắt đầu các hình thức thu phí khi đã có lượng người dùng phụ thuộc đông đảo là chuyện bình thường.

Zalo với thông báo đã có 70 triệu người dùng thường xuyên thì họ hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện thu phí. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một ứng dụng OTT trong nước thu phí người dùng Việt sẽ là một thách thức rất lớn bởi người dân đã quá quen với miễn phí.

Ngay cả ứng dụng nổi tiếng và quen thuộc khác là Viber – dù có ít người dùng hơn Zalo – đến giờ vẫn chật vật chưa thể kiếm được tiền của người dùng Việt. Có thể đây là một phép thử của Zalo và họ sẽ có điều chỉnh từ phản hồi của người dùng sau một vài tháng tới”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 2-8, ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Công ty truyền thông Buzi, cho rằng việc Zalo thu phí rõ ràng đang nhắm vào số đông những người dùng Zalo để bán hàng online, mặc dù theo thông báo là áp dụng cho doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, động thái giới hạn tính năng của người dùng cá nhân đã nói lên ý đồ đằng sau đó. Với số lượng người dùng khổng lồ như hiện nay thì việc thu phí nhằm giải đáp cho bài toán kinh tế là điều dễ hiểu”, ông Vĩ cho biết.

Ông Vĩ cũng cho rằng “bước đi” của Zalo tương đối rủi ro. “Thứ nhất, có rất nhiều nền tảng OTT với tính năng tương tự nhưng hoàn toàn miễn phí. Thứ hai, việc Zalo tăng trưởng nhanh chóng đa phần nhờ sự tiện lợi với tiếng Việt giúp dễ dàng tiếp cận người dùng. Đặc biệt, hoạt động mua bán hàng online trên Zalo bùng nổ trong thời gian đại dịch COVID-19 đã góp công không nhỏ trong việc xây dựng cộng đồng này.

Vì vậy, với việc đánh trực tiếp vào ‘đội ngũ’ đông đảo này rất dễ tạo thành một làn sóng người dùng đổi sang nền tảng OTT khác, như trước đây họ từ Facebook Messenger chuyển sang Zalo”, ông Vĩ nhận định.

Cước phí đến gần 400.000 đồng/tháng

Từ ngày 1-8, Zalo chính thức triển khai 3 gói thu phí thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam, song song gói cơ bản miễn phí nhưng bị giới hạn tính năng. Cụ thể, các gói cước theo tháng lần lượt là: Cơ bản (miễn phí), Dùng thử (10.000 đồng), Nâng cao (59.000 đồng) và Cao cấp (399.000 đồng).

Các tài khoản mua thuê bao tháng sẽ được “nới” một số tính năng như: loại bỏ giới hạn về lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm, hỗ trợ danh bạ, phản hồi chat… Còn những người không trả tiền sẽ bị “bóp” các tính năng như: chỉ lưu tối đa 1.000 người trong danh bạ, không được sử dụng nickname, gửi tối đa 5 tin nhắn nhanh, không thể xem hay bình luận trên nhật ký, số điện thoại chỉ hiển thị với người lạ 40 lần/tháng, trả lời tối đa 40 hội thoại/tháng từ người lạ…

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: