Các đợt điều chỉnh giá xăng dầu giảm gần đây là điều kiện để chặn đà tăng giá hàng hóa, nhất là giá thực phẩm, giúp thị trường nhanh chóng bình ổn trở lại. Tuy vậy, người tiêu dùng khó trông đợi sẽ có những đợt giảm giá ngay.
Thị trường trông đợi giảm giá hàng hóa ngay sau khi giá xăng, dầu giảm – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đưa ra nhận định trên tại buổi họp báo giới thiệu về Triển lãm Vietfood & Beverage – Propack 2022 ở TP.HCM chiều 1-8, ông Trương Tiến Dũng – phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM – cho rằng để giá thực phẩm nói riêng và hàng hóa giảm nhanh, cần nhiều yếu tố và luôn có độ trễ nhất định.
Hiệp hội có nhiều thành viên tham gia bình ổn hàng hóa thị trường của TP.HCM, vì thế theo ông Dũng, việc điều chỉnh tăng giá bán của các doanh nghiệp này cũng không dễ dàng.
Thời gian qua, giá cả tiêu dùng leo thang do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng dầu. Nhưng yếu tố quyết định chính giá thành sản phẩm là giá nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công lại đang tăng. Hiện các yếu tố này cùng chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, chi phí điện nước… đều chưa có dấu hiệu giảm.
Giá xăng dầu giảm có thể tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, logistics nhưng bản thân những doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn trong tình trạng “nghe ngóng” vì cho rằng giá xăng dầu giảm ở các kỳ điều chỉnh gần đây chỉ mang tính thời điểm, xu hướng chưa rõ ràng, đà giảm có bền vững hay không.
Trong khi đó, sau hai năm đại dịch, ngành thực phẩm và chế biến thực phẩm đang bị tác động nặng nề về nguồn cung ứng. Ngay cả thực phẩm nhập khẩu cũng bị hạn chế hơn do nhiều nước đối mặt với tình trạng lạm phát, thiếu hụt nguồn cung.
Trong nước, ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực khôi phục nhưng chưa thể về được trạng thái như trước dịch, vì thế một số nguyên liệu vẫn còn thiếu và giá bán cao theo quy luật cung cầu.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng trước mắt các mặt hàng tươi sống, những nông sản, thực phẩm có vòng đời sản xuất, nuôi trồng ngắn có điều kiện giảm ngay.
Đặc biệt công điện của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sẽ giảm áp lực tăng giá hàng hóa hiệu quả, thị trường tiến tới tự điều chỉnh về mức hợp lý để có thể bình ổn trong những tháng cuối năm. Ngoài ra các chi phí về vốn, thủ tục hành chính cũng cần phải ‘dễ thở’ hơn”, ông Dũng nói.
Trong nửa đầu năm nay, cùng với giá xăng dầu, giá hàng hóa đã tăng cao bất thường và tạo lập một mặt bằng giá mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu, cuộc sống của người dân.
Thông tin thêm về Triển lãm Vietfood & Beverage – Propack, ông Dũng cho biết đây là triển lãm trực tiếp đầu tiên của năm 2022 trong ngành thực phẩm – đồ uống được tổ chức tại TP.HCM, dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 13-8 tại quận 7, TP.HCM.
Theo đăng ký, có hơn 350 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với quy mô 400 gian hàng trưng bày. Trong đó, hơn 54% doanh nghiệp nước ngoài và 46% doanh nghiệp trong nước. Điểm nhấn là khu trưng bày quốc tế (International Pavilions) đến từ các thị trường như Ấn Độ, Ba Lan, Hy Lạp, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Singapore, Nhật Bản và Indonesia.
Nguồn: tuoitre.vn