Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan liên quan làm rõ tính khả thi khi dự kiến cảng trung chuyển Cần Giờ khai thác 80% lượng hàng trung chuyển từ Singapore sang. Nhà đầu tư cần cam kết đảm bảo khai thác đúng tỉ lệ về lượng hàng.
Siêu cảng trung chuyển Cần Giờ được đề xuất xây dựng tại cù lao Phú Lợi – Ảnh: Google Maps
Bộ Giao thông vận tải lưu ý như vậy trong công văn gửi UBND TP.HCM, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam về việc UBND TP.HCM đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.
Bộ đề nghị UBND TP.HCM, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung làm rõ các nội dung về đánh giá tác động của việc đầu tư xây dựng khu bến Cần Giờ đến phân bổ lượng hàng, luồng hàng, tuyến vận tải hàng hải của khu vực và cả nước; đánh giá tác động đến hoạt động của các khu bến cảng đã đầu tư, quy mô, lộ trình đầu tư các bến cảng, khu bến cảng đang hoạt động và được quy hoạch thời gian tới thuộc cảng biển TP.HCM như khu bến Cát Lái, Hiệp Phước… đến các bến cảng, khu bến cảng biển lân cận như Cái Mép – Thị Vải (cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu) và đến khu bến cảng Lạch Huyện (cảng biển Hải Phòng).
Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, khu bến Cần Giờ được khai thác 80% lượng hàng trung chuyển đưa từ Singapore sang và 20% lượng hàng tại Việt Nam. Do vậy Bộ Giao thông vận tải đề nghị làm rõ 80% lượng hàng trung chuyển từ Singapore sang là hàng của các quốc gia nào để xem xét tính khả thi của nguồn hàng này và 20% lượng hàng từ khu bến nào tại Việt Nam đến khu bến Cần Giờ.
Nhà đầu tư cần có cam kết đảm bảo khai thác đúng tỉ lệ về lượng hàng nêu trên, không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động các khu bến cảng, cảng biển lân cận.
Chỉ đạo nhà đầu tư làm rõ về kế hoạch thành lập liên danh; khả năng huy động nguồn vốn trong liên danh để đầu tư khu bến Cần Giờ.
Làm rõ về kết nối giao thông đường bộ với khu bến cảng Cần Giờ; đánh giá sự phù hợp tĩnh không thông thuyền cầu đường bộ đảm bảo an toàn hàng hải cho cỡ tàu lớn nhất qua sông Lòng Tàu; cần làm rõ về nguồn vốn, khả năng huy động nguồn vốn, cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư tuyến đường giao thông kết nối.
Bộ Giao thông vận tải cho biết theo hồ sơ báo cáo, dự án đầu tư khu bến Cần Giờ có khoảng 90ha đất rừng thuộc vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ cần chuyển đổi mục đích sang đất xây dựng cảng. Do vậy, cần đánh giá cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; xin ý kiến của Bộ Tài nguyên – môi trường và các cơ quan liên quan để báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
Bộ cũng đề nghị cần đánh giá yếu tố quốc phòng – an ninh; xin ý kiến của Bộ Quốc phòng đối với việc đảm bảo quốc phòng – an ninh tại khu vực khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng khu bến Cần Giờ tại cù lao Phú Lợi (cửa sông Cái Mép).
Bộ giao Cục Hàng hải phối hợp hỗ trợ các cơ quan liên quan của TP.HCM và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong quá trình thành phố chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên.
Trước đó, ngày 30-6-2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn kiến nghị Thủ tướng về đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Đây là dự án do Tập đoàn MSC cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất đầu tư có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD.
Cảng sẽ tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus (1 Teu tương đương 1 container 20 feet), công suất thông qua 10 – 15 triệu Teus.
Nguồn: tuoitre.vn