Tổng cục Thuế cho biết thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến giữa tháng 7 năm nay đạt 5.458 tỉ đồng.
Một số người bán hàng online yêu cầu người mua phải chuyển khoản trước. Nếu ship COD thì người mua phải chịu thuế 1,5% – Ảnh minh họa: Q.Đ.
Theo cơ quan thuế, thương mại điện tử là một lĩnh vực rất rộng lớn, gồm các tổ chức, cá nhân trong nước kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phát sinh thu nhập từ Việt Nam qua các trang web, các sàn thương mại điện tử; trên các kênh YouTube, Facebook và các tổ chức, cá nhân trong nước kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ nước ngoài (Google, Facebook, TikTok, Apple…).
Về kết quả số thu từ hoạt động thương mại điện tử thời gian qua, Tổng cục Thuế cho biết thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến giữa tháng 7 năm nay đạt 5.458 tỉ đồng.
Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như Facebook là 2.076 tỉ đồng, Google là 2.040 tỉ đồng, Microsoft là 699 tỉ đồng…
Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số, trả lời Tuổi Trẻ, đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội cho biết hoạt động kinh doanh bán hàng, quảng cáo trên các trang mạng Facebook, YouTube, Zalo… gia tăng và phát triển nhanh.
Nhờ vậy, số thu từ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này đóng góp cho ngân sách địa bàn có xu hướng tăng. Tổng số thu từ cá nhân kinh doanh thương mại từ năm 2018 đến hết quý 2 năm nay đạt khoảng 368,3 tỉ đồng, trong đó năm 2021 đạt khoảng 129,3 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm nay đạt 74,3 tỉ đồng.
Cục Thuế TP Hà Nội đã quản lý chặt chẽ, tập trung vào một số nhóm đối tượng chính. Đó là nhóm có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài gồm Google, Facebook… có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài. Như năm 2021, số thuế thu được từ 465 cá nhân là khoảng 56 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nhóm kinh doanh bán hàng online cũng được Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của hơn 32.000 địa chỉ bán hàng online qua thu thập thông tin từ trung gian vận chuyển, trong đó 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Cục Thuế đã rà soát, đưa vào quản lý khoảng 1.330 người nộp thuế với số nộp 12 tỉ đồng, đang tiếp tục triển khai rà soát hơn 2.000 cơ sở bán hàng online còn lại.
Cục Thuế TP Hà Nội cũng đang quản lý dữ liệu của gần 800 chủ cơ sở với hơn 2.300 địa chỉ cho thuê nhà qua ứng dụng, trong đó có 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử cũng là nhóm cần quản lý khi hoạt động kinh doanh online, dựa trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ.
Riêng công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, Cục Thuế TP Hà Nội cho hay thường xuyên rà soát các cá nhân bán hàng trên Facebook, các sàn thương mại điện tử. Qua đó xác định những người chưa đăng ký, kê khai thuế, cơ quan thuế sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại cho từng cá nhân kinh doanh online và hướng dẫn họ đăng ký, kê khai thuế.
Phải đổi chiến lược mới thu được thuế
Cục Thuế TP.HCM từng gửi 14.543 giấy mời các chủ tài khoản Facebook có kinh doanh online nhưng ít người chịu đến làm việc. Trong ảnh: quyết toán thuế ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Từ năm 2017, Cục Thuế TP.HCM từng gửi 14.543 giấy mời các chủ tài khoản Facebook có kinh doanh online trên địa bàn. Mục tiêu của chương trình này là nhằm thực hiện nguyên tắc công bằng, tức có kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, có rất ít người chịu lên làm việc với cơ quan thuế. Chỉ có một số trường hợp lên làm việc nhưng nêu lý do doanh thu thấp, chưa đến 100 triệu đồng/năm nên thuộc diện không phải nộp thuế.
Do đó, cơ quan thuế đã đổi hướng sang truy từ đơn vị giao nhận, sàn thương mại điện tử. Trong tháng 6-2022, Cục Thuế TP.HCM cho biết nhận được dữ liệu của Tổng cục Thuế với tổng cộng 112 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM có doanh thu kinh doanh trên sàn thương mại điện tử từ ngày 1-4-2020 đến ngày 31-3-2021 là hơn 258 tỉ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã xử lý truy thu các cá nhân, tổ chức có phát sinh thu nhập từ Google hơn 149 tỉ đồng, trong đó có 140 tỉ đồng là truy thu từ 110 cá nhân, còn lại là truy thu từ doanh nghiệp.
Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết đã rà soát và xử lý các doanh nghiệp bán hàng hóa qua một sàn thương mại điện tử theo số liệu do Tổng cục Thuế cung cấp với hơn 608 triệu đồng trong nửa đầu năm nay.
Cơ quan này cũng kiểm tra một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền bán hàng (COD), qua đó truy thu, phạt và tiền chậm nộp hơn 9,5 tỉ đồng. Cục Thuế TP.HCM cũng kiểm tra một doanh nghiệp trung gian thanh toán, qua đó truy thu, phạt và tính tiền chậm nộp tổng cộng hơn 9,1 tỉ đồng.
Doanh thu tỉ đô, số thu thuế chưa nhiều
Ông Nguyễn Như Quỳnh, viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nhận định hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sự phát triển của công nghệ, Internet và đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã làm đổi thay thói quen người tiêu dùng. Người người, nhà nhà mua sắm qua các website, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội.
Trong năm 2021, theo số liệu của cơ quan chức năng, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỉ USD và dự báo có thể đạt 39 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên các trang Facebook, các sàn thương mại điện tử thời gian qua còn khá khiêm tốn, chủ yếu thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra do nhiều cá nhân và tổ chức tìm cách né, lách thuế.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu được 220 tỉ đồng.
Nguồn: tuoitre.vn