Việt – Mỹ có nhiều điểm vượt tầm chiến lược

Việt Nam và Mỹ đã trải qua chặng đường dài để trở thành đối tác đáng tin cậy, bạn hữu với những thành tựu đáng kể. Trong bối cảnh thế giới bất ổn như hiện tại, chương tiếp theo của mối quan hệ đối mặt với những thách thức và cơ hội đan xen.

Việt - Mỹ có nhiều điểm vượt tầm chiến lược - Ảnh 1.

Từ trái sang: các chuyên gia Nguyễn Hồng Quân, Phạm Quang Vinh và Lê Hồng Hiệp tại hội thảo ngày 5-8 – Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Hội thảo về quan hệ Việt Nam – Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden do Đại học Fulbright Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 5-8 quy tụ nhiều chuyên gia am hiểu quan hệ Việt – Mỹ đã thảo luận những thách thức và cơ hội này.

Nhiều lợi ích chung

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Mỹ Marc Knapper nhấn mạnh Mỹ và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong 27 năm qua, kể từ khi bình thường hóa quan hệ. “Mỹ và Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhau khi giải quyết một loạt thách thức ở khu vực sông Mekong, ASEAN, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gồm an ninh khu vực, khủng hoảng khí hậu, năng lượng sạch, buôn bán ma túy, động vật hoang dã, tội phạm xuyên quốc gia và an ninh y tế toàn cầu” – ông Knapper chia sẻ.

Theo cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Mỹ là đối tác quan trọng của khu vực và Việt Nam. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington bao gồm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có chung mối quan tâm như: hòa bình, ổn định, thịnh vượng, an ninh, kinh tế, công nghệ… Về an ninh, Việt Nam và ASEAN đề cao thượng tôn pháp luật tại khu vực nhưng đồng thời cũng cần hòa bình, ổn định. Vì vậy, theo ông Vinh, cần có sự cân bằng sức mạnh tại khu vực.

Ông Vinh cho rằng thách thức cho khu vực và Việt Nam là làm sao để tránh bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa các “ông lớn” để hợp tác với cả Trung Quốc, Mỹ và còn những đối tác khác như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ…

Về quan hệ Việt – Mỹ, ông Vinh nhận định hai nước đã trải qua chặng đường dài với nhiều thành tựu trong 27 năm hợp tác và xây dựng niềm tin. Sắp tới sẽ là những cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương như kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện (2023), 30 năm bình thường hóa quan hệ kinh tế (2024) và 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (2025).

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, cho biết hai nước đang hợp tác hiệu quả về an ninh quốc phòng, thể hiện qua các thông điệp như chính quyền ông Biden gọi Việt Nam là “đối tác đáng tin cậy” ngay sau khi nhậm chức và sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin Lloyd thăm chính thức Việt Nam vào năm 2021.

Theo ông Quân, dù chưa phải là đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng mối quan hệ hiệu quả về thực chất và có nhiều điểm còn vượt tầm chiến lược. 

“Một số điểm nhấn trong hợp tác quốc phòng hai nước như Washington cung cấp tàu giúp cảnh sát biển Việt Nam tăng cường năng lực, hỗ trợ Việt Nam đóng góp cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới. Ngoài ra, thương mại quân sự có tiềm năng sẽ tăng khi Việt Nam tìm mua các trang bị vũ khí phù hợp với tình hình mới” – ông Quân nói.

ASEAN xác định rằng không muốn bất cứ ai thống trị khu vực. Chúng ta muốn các nước mạnh hợp tác với khu vực, với các nước nhỏ hơn.

Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh

Tận dụng cơ hội

Vấn đề quan trọng là làm sao để hợp tác với tất cả các bên trong bối cảnh hiện nay. Theo các chuyên gia, Việt Nam và Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào xử lý các thách thức để phát triển mối quan hệ.

“Thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta không chọn phe, không để bị kẹt giữa cuộc cạnh tranh giữa các “ông lớn”, đồng thời hợp tác được với tất cả nước lớn để tận dụng mọi cơ hội. Và không chỉ không chọn phe mà chúng ta phải tích cực đối thoại với các đối tác và tìm ra những cơ hội cho đất nước”, ông Vinh nêu vấn đề.

Tương tự, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp – thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) – cho rằng các nước trong khu vực cũng thể hiện rõ không muốn chọn phe giữa các “ông lớn” trong khu vực như Mỹ và Trung Quốc, bởi cả hai đều là những đối tác quan trọng của ASEAN.

Về triển vọng nâng quan hệ Việt Nam – Mỹ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, ông Hiệp cho rằng sắp tới sẽ là thời điểm phù hợp khi hai nước kỷ niệm các cột mốc trong quan hệ song phương. “Nếu có khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện thì sẽ tốt hơn nhằm tạo ra cơ sở pháp lý và chính trị cho hợp tác song phương. Nó sẽ như cột mốc cho quá trình phát triển song phương”, ông Hiệp nhận định.

“Chúng ta chưa rõ khi nào quan hệ Việt Nam – Mỹ sẽ nâng lên đối tác chiến lược toàn diện, nhưng Việt Nam vẫn đang tìm kiếm hợp tác với Mỹ đồng thời vẫn giữ quan hệ với các nước trong khu vực và với cả Trung Quốc” – ông Murray Hiebert, chuyên gia của BowerGroup Asia, từ Mỹ chia sẻ trực tuyến với hội thảo.

Theo ông Hiebert, dù nền chính trị Mỹ thường biến động rất lớn giữa các đời tổng thống, như cựu tổng thống Donald Trump nhấn mạnh chính sách America First (Nước Mỹ trên hết) trong khi ông Biden chú trọng hợp tác với các đồng minh, nhưng Washington vẫn giữ “nhịp” trong quan hệ với các nước đối tác quan trọng, trong đó có Việt Nam.

Tương lai của IPEF

Trong quan hệ kinh tế, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) được Mỹ công bố vào tháng 5-2022 được Việt Nam và các nước ASEAN rất quan tâm. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Fulbright Việt Nam, cho rằng các trụ cột trong IPEF có nhiều điểm phù hợp với hướng phát triển của Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Dù tương lai của IPEF đến nay vẫn chưa chắc chắn trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, nhưng ông Thành lạc quan rằng hai nước đều nhận thấy những lợi ích to lớn từ khuôn khổ này.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: