Sâm Ngọc Linh đã có vị trí nhất định ở trong nước và đã bắt đầu vươn tầm khu vực và thế giới, nhưng chưa xứng tầm với vị thế và tiềm năng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn sâm của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum năm 2018 (khi còn làm Thủ tướng Chính phủ) – Ảnh: L.TR.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh cần có sự chung tay của nhiều bộ ngành, địa phương với chiến lược bài bản từ phát triển vùng trồng, đa dạng sản phẩm chế biến, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quảng bá thương hiệu và khai thác hiệu quả thị trường…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Bá Phú – cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) – cho rằng sâm Ngọc Linh có vai trò, ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế địa phương, có thương hiệu mang tầm quốc gia, mà còn có tiềm năng lớn có thể phát triển thành thương hiệu mang tầm quốc tế và có thể được coi là quốc bảo của Việt Nam.
* Là cây sâm quý được ví như “quốc bảo” và có giá trị kinh tế nhưng đến nay sâm Ngọc Linh phát triển vẫn chưa xứng tầm, theo ông lý do vì sao?
– Theo tôi đánh giá khách quan thì sâm Ngọc Linh đã có vị trí nhất định ở trong nước và đã bắt đầu vươn tầm khu vực và thế giới, nhưng chưa xứng tầm với vị thế và tiềm năng.
Bởi trước hết đây là loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao nên nhiều địa phương muốn di thực giống sâm Ngọc Linh về trồng, dẫn đến trên thị trường hiện nay các sản phẩm sâm Ngọc Linh đa số là có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và không kiểm soát được chất lượng. Đây là rào cản lớn để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh cả trong nước và quốc tế.
Vùng địa lý trồng sâm Ngọc Linh khi được bảo hộ kèm theo các quy định về quy trình, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và chế biến, cùng quy chế về quản lý, sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm. Tuy nhiên, việc kiểm soát chưa hiệu quả, chế tài chưa nghiêm khắc nên chưa thể khẳng định được chất lượng đồng đều, trong khi đây vốn là yếu tố tiên quyết tạo nên thương hiệu của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Ông Vũ Bá Phú – Ảnh: NAM TRẦN
* Theo ông, làm thế nào tạo ra sự khác biệt cho sâm Ngọc Linh nhìn từ câu chuyện thương hiệu sâm Hàn Quốc?
– Đúng là có nhiều bài học nhìn từ câu chuyện phát triển thương hiệu nhân sâm của Hàn Quốc. Mặc dù chúng ta mới đang trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, với lợi thế là sản phẩm sâm truyền thống của Việt Nam rất tốt, nhưng để phát triển thành sản phẩm có thể thương mại hóa thì đòi hỏi phải có sự quyết tâm, vào cuộc của cả cơ quan quản lý, các nhà khoa học và người dân để thâm canh, quảng canh hoặc ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, sản lượng, đạt chất lượng cao và đồng đều.
Rõ ràng, sản phẩm sâm của Việt Nam nếu chưa qua chế biến thì giá trị sẽ thấp, khó bảo quản cũng như vận chuyển đi xa. Vì vậy, muốn gia tăng giá trị thì nhất thiết phải nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để từ khâu canh tác, thu hoạch và bảo quản phải theo quy chuẩn quốc tế, đồng thời đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa phát triển thành các sản phẩm thành phẩm khác nhau cho mục đích khác nhau.
* Với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thương hiệu quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) sẽ hỗ trợ cụ thể thế nào để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh?
– Hiện nay Bộ Công thương đang triển khai nhiều chương trình lớn về xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của Việt Nam nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng thị trường nội địa và vươn ra thế giới.
Tuy vậy, đối với chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, theo quy định thì sản phẩm sâm Ngọc Linh nói chung lại chưa thuộc đối tượng tham gia chương trình. Bởi tiêu chí về chủ thể đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam phải là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Trong khi đó, sản phẩm sâm Ngọc Linh là nhãn hiệu tập thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nên không thuộc đối tượng của chương trình. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ việc xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, xứng tầm với vị thế của loại dược liệu quý này ở trong nước và quốc tế trên cơ sở các cơ chế, chính sách về phát triển ngoại thương được quy định tại Luật quản lý ngoại thương.
Cụ thể, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đưa ra cơ chế chính sách để đưa sâm Ngọc Linh là một ngành hàng nằm trong Chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam. Từ đó có chính sách ưu tiên hỗ trợ địa phương, tổ chức, hiệp hội ngành hàng có nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài.
Phở sâm Ngọc Linh phục vụ Hội thảo “Nâng tầm thương hiệu sâm Ngọc Linh”
Chiều nay 6-8, tại khách sạn Mường Thanh, TP Tam Kỳ, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo “Nâng tầm thương hiệu sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia”.
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sâm, các chuyên gia về phát triển thương hiệu, đại diện nhiều bộ ngành như nông nghiệp, công thương, du lịch…, và cả các doanh nghiệp đồng hành như Công ty TNHH Triết Minh, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty cổ phần Capella Group…
Vào sáng cùng ngày, ban tổ chức hội thảo cũng khai trương các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của các thương hiệu mạnh. Đặc biệt, thương hiệu Phở sâm Ngọc Linh K5 cũng đã nấu tại chỗ 200 tô phở bò để mời người dân Tam Kỳ thưởng thức.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh:
Xây dựng thương hiệu sâm còn nhiều hạn chế
“Hiện nay nói đến Hàn Quốc là người ta nghĩ về sâm, họ làm rất bài bản, căn cơ, xuất khẩu với doanh thu rất lớn. Sâm Ngọc Linh có lợi thế nhưng vẫn ở quy mô các địa phương nhỏ lẻ, chưa thể thành một chuỗi giá trị, thương hiệu.
Đáng chú ý là các địa phương đều thiếu quy hoạch bài bản cho việc phát triển vùng nguyên liệu sâm, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sâm còn nhiều hạn chế.
Chính vì vậy Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum xây dựng một chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam), trước 30-9 phải trình.
Chúng tôi đã tổ chức các đoàn khảo sát, giao Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì xây dựng khung, đề cương chi tiết. Hy vọng chương trình này có tính thực tiễn, khả thi cao, khi Chính phủ ban hành phải đi vào cuộc sống, thực sự thúc đẩy sâm Ngọc Linh phát triển, đúng như mong muốn là “quốc bảo”.
Bà Phạm Thị Xuân Hương (tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm OPC):
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chế biến sâm Ngọc Linh
Để sâm Ngọc Linh phát triển thành thương hiệu quốc gia cần phải có một lộ trình bài bản. Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường kinh doanh sâm Ngọc Linh cần phải đầu tư thích đáng cho khoa học, kỹ thuật công nghệ để cho ra những sản phẩm chất lượng, đồng thời phải nghiên cứu thị trường để đưa ra sản phẩm phù hợp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phát triển thương hiệu cho sâm Ngọc Linh. Tôi cũng cho rằng việc thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh Việt Nam cũng rất cần thiết, nhằm thắt chặt việc bảo vệ chất lượng, thương hiệu sâm Ngọc Linh, để tạo sự uy tín khi đưa sản phẩm này ra thế giới.
Riêng với OPC, chúng tôi cũng tự hào là đã nghiên cứu công nghệ chiết tách được hàm lượng MR2 nhiều nhất trong sâm Ngọc Linh bằng thiết bị hiện đại để làm ra những sản phẩm có hàm lượng hoạt chất cao và sản xuất với số lượng lớn.
Bà Lê Thị Bích Luyện (giám đốc Công ty TNHH Triết Minh):
Cần có trung tâm kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh
Công ty chúng tôi chuyên sản xuất tất cả các sản phẩm về dược liệu quý của Quảng Nam với 41 sản phẩm, trong đó có sâm Ngọc Linh với 4 sản phẩm gồm: trà sâm, thạch sâm, sâm Ngọc Linh mật ong và rượu sâm.
Chuyện trăn trở lớn nhất của chúng tôi là chất lượng nguồn sâm đầu vào nên rất mong muốn chính quyền quan tâm đầu tư tại tỉnh một trung tâm kiểm định sâm Ngọc Linh. Hiện nay chúng tôi thu mua có nguồn gốc, chứng từ rõ ràng nhưng thực sự vẫn chưa yên tâm 100%.
Bởi hiện nay trên thị trường người bán sâm Ngọc Linh rất nhiều, tuy nhiên chất lượng kiểm định về sâm còn đâu đó những trăn trở, chẳng hạn như kiểm định bằng mắt thường là chủ yếu, chúng tôi muốn kiểm định để đưa sản phẩm ra thị trường thì phải vào đến TP.HCM hoặc Hà Nội, đó là chuyện bất cập trong việc giao thương.
Nguồn: tuoitre.vn