Nhà máy đạm Ninh Bình vẫn đang hoạt động bình thường nhưng chưa phát huy hiệu quả đầu tư do giá than nguyên liệu tăng gấp 3 lần, trong khi giá sản phẩm là phân đạm urê lại giảm sâu.
Nhà máy đạm Ninh Bình – Ảnh: N.T
Ông Lê Ngọc Quang, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem), cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc Vinachem chi ra hơn 667 triệu USD đầu tư dự án đạm Ninh Bình, 1 trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương, với số lỗ lũy kế từ khi đưa vào hoạt động đến nay đã gần 5.000 tỉ đồng (Tuổi Trẻ ngày 5-3).
Ông Quang nói: “Từ tháng 10-2012, Nhà máy đạm Ninh Bình đã đưa vào hoạt động, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho hơn 920 người lao động. Tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn đang thua lỗ nên chưa thể trả được lãi gốc cho ngân hàng theo kế hoạch”.
Chủ trương đầu tư dự án đạm Ninh Bình là đúng. Các dự án phân bón thường do Nhà nước đầu tư để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có bốn dự án sản xuất phân đạm lớn.
Tại thời điểm quyết định đầu tư dự án đạm Ninh Bình, giá đạm urê khoảng 450-500 USD/tấn, trong khi giá than lại thấp. Nhưng khi giá đạm urê giảm mạnh, chỉ còn khoảng 300 USD/tấn, giá than nguyên liệu lại tăng gấp 3 lần trước đây. Điều này phần nào giải thích cho sự thiếu hiệu quả của dự án.
Về công nghệ, hiện chỉ có hai công nghệ sản xuất phân đạm từ khí hoặc khí hóa than. Sản xuất phân đạm từ than cám sẽ thêm một công đoạn phải khí hóa than, đốt than ra khí.
Trong khi đó, sản xuất phân đạm từ khí sẽ làm trực tiếp luôn. Do vậy, chi phí đầu tư sản xuất phân đạm từ than cám của Vinachem luôn cao hơn so với những dự án sản xuất phân đạm từ khí, nhưng vì không đủ nguyên liệu khí nên phải sản xuất phân đạm từ than.
Về vốn đầu tư, Vinachem vay vốn của Ngân hàng Phát triển VN (VDB), lãi suất thời điểm đầu tư là 11,4%, sau đó giảm còn 9,6-10%/năm tại thời điểm giải ngân vốn. Như vậy, nhà máy này không được ưu đãi gì về lãi suất.
Vinachem đã xin điều chỉnh lãi suất dự án nhiều lần nhưng không được, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu nợ dự án đạm Ninh Bình từ 12 năm lên 20 năm, nhưng VDB vẫn chưa có cơ chế điều chỉnh cơ cấu nợ cho dự án.
Kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra, làm rõ sai phạm
Trong báo cáo kết luận kiểm toán được gửi tới Thủ tướng, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đối với những tồn tại, sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy đạm Ninh Bình; chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định.
Nguồn: tuoitre.vn