Một người bán tên Hồng cho biết giá sỉ 2.000 – 4.000 đồng/cái, lẻ 5.000 đồng/cái, bao nhiêu cũng có. Bà Hồng nói chắc nịch: “Giá không đâu rẻ hơn, chỉ hơn 100.000 đồng là có hàng chục cái mùi vị khác nhau. Khách mua nhiều lắm”.
Người dân tìm mua bánh trung thu handmade tại một cửa hàng ở quận 10, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thật khó hiểu người ta làm bằng cách nào để ra giá chỉ 2.000 – 5.000 đồng/bánh trung thu dù cỡ nhỏ sau rất nhiều khâu vận chuyển, lãi cho người bán.
Ông Ngô Văn Hữu (chủ một cơ sở sản xuất bánh tại TP.HCM)
Nhờ chủng loại đa dạng, mới lạ, giá gốc chỉ… 2.000 đồng đến vài nghìn đồng/cái, bánh trung thu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc được người bán ào ạt nhập về Việt Nam.
Cùng với đó là dòng bánh “nhà làm” cũng đang được ưa chuộng. Nhiều chuyên gia cho biết nguyên liệu làm bánh trung thu dễ bị hư hỏng, nấm mốc nếu không được bảo quản tốt, tiềm ẩn rủi ro cho người dùng. Các cơ quan chức năng thì cho hay việc kiểm soát chất lượng không dễ.
Bánh giá siêu rẻ
Dù hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng thị trường bánh trung thu đã khá sôi động. Đặc biệt, năm nay xuất hiện thêm một số loại bánh trung thu dẻo mini có xuất xứ từ Trung Quốc với giá chỉ 2.000 – 5.000 đồng/cái được bán trôi nổi trên đầy chợ mạng, trong đó có nhiều chủng loại mới hút khách.
Liên hệ theo thông tin được giới thiệu trên mạng, một người bán tên Hồng tại Hà Nội cho biết giá bán sỉ là 2.000 – 4.000 đồng/cái bánh trung thu mini, còn mua lẻ 5.000 đồng/cái, khách muốn mua bao nhiêu cũng có.
“Bánh này giá không đâu rẻ hơn, chỉ hơn 100.000 đồng là có hàng chục cái với mùi vị khác nhau nên khách mua nhiều lắm”, bà Hồng khẳng định.
Tuy nhiên, khi yêu cầu về giấy tờ chứng minh về nguồn gốc và chất lượng thì bà Hồng thừa nhận là bánh nhập lậu, không có giấy tờ gì.
Trong khi đó, tự nhận là điểm chuyên phân phối bánh Trung Quốc, bà Hạnh (Hà Nội) cho biết hơn 1 tháng qua đã bán khoảng 600 thùng bánh trung thu mini Trung Quốc, mỗi thùng 5kg, giá 380.000 đồng. Trong đó nhiều loại bánh mới như bánh dẻo, bánh vị dứa, dừa hay “combo” thập cẩm với hơn 10 vị các loại.
“Hàng rất rẻ, lại đa dạng nên được khách nhiều tỉnh thành chuộng hơn hẳn dòng bánh trong nước”, bà Hạnh khoe và cho hay nhiều người giới thiệu bánh từ Đài Loan, Hong Kong, thậm chí Hàn Quốc nhưng bà thật thà nên nói thật từ Trung Quốc.
Dòng bánh mini này đang “Nam tiến” ào ạt. Bà Thuận (quận Gò Vấp, TP.HCM) khoe đã bán lượng lớn bánh trung thu mini Trung Quốc ra thị trường với giá 80.000 – 105.000 đồng/kg (khoảng 25 cái), tính ra 3.000 – 5.000 đồng/cái. Khi khách lo ngại hàng nhanh hư, bà Thuận trấn an: “Bánh này tôi nhập từ Hà Nội vào hơn cả tháng rồi nhưng khách mua về vẫn có thể để được 2 tháng nữa”.
Khó sản xuất bánh rẻ, để lâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – đại diện cơ sở sản xuất bánh trung thu Đồng Khánh hiệu Bông lúa vàng (Long An) – cho biết giá nhiều loại nguyên liệu sản xuất bánh đã tăng 20 – 25% so với năm ngoái nên giá bán ra khó giảm.
Cụ thể, với bánh 150g, hầu hết doanh nghiệp trong nước đang bán lẻ 55.000 – 80.000 đồng/cái tùy loại, trong khi với 40g nhưng bánh từ Trung Quốc chỉ bán vài nghìn đồng. Thật khó hiểu vì sao họ sản xuất được rẻ thế.
Ông Ngô Văn Hữu, chủ một cơ sở sản xuất bánh tại TP.HCM, cũng cho rằng dù là bánh mini thì cũng rất khó để doanh nghiệp trong nước sản xuất ra với giá như vậy.
“Vận chuyển hàng từ Trung Quốc về cũng tốn hàng chục triệu đồng/chuyến, từ Hà Nội gửi vào TP.HCM cũng tốn 20.000 – 40.000 đồng/thùng hàng, chưa kể mỗi lần sang tay là người bán đã lời. Tính ra, giá bánh này bán bên Trung Quốc còn rẻ hơn nhiều. Thật khó hiểu người ta làm bằng cách nào để ra giá đó”, ông Hữu đặt vấn đề.
Một chuyên gia trong ngành thực phẩm tại TP.HCM cho rằng với bánh trung thu “nhà làm” như dòng bánh tươi, bánh dẻo thì thường có hạn sử dụng ngắn, phổ biến 4 – 10 ngày. Vì vậy, người dùng dễ ăn phải bánh kém chất lượng nếu không bảo quản tốt. Với bánh dẻo, nướng được sản xuất kiểu công nghiệp thì phần lớn hạn dùng từ 1 – 1,5 tháng tùy loại. Do đó, bánh dẻo Trung Quốc có hạn sử dụng đến nhiều tháng như “quảng cáo” của người bán thì cần xem lại.
Bánh siêu rẻ từ Trung Quốc – Ảnh: N.TRÍ chụp màn hình
Khó kiểm soát chất lượng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-8, đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đang phối hợp với quận huyện tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng, ngăn chặn tình trạng bánh “dỏm” ra thị trường.
Trong khi đó, theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, bánh trung thu nhập khẩu bán ra phải có tem phụ bằng tiếng Việt, đơn vị nhập khẩu phải chứng minh nguồn gốc qua hóa đơn, tờ khai nhập khẩu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Tuy vậy, vị này thừa nhận không dễ để kiểm soát.
“Nguồn cung quá đa dạng, buôn bán trên không gian mạng hầu như không qua đăng ký, lúc ẩn lúc hiện nên khó truy xét và xử lý hết được. Do đó, cái chính vẫn là ý thức của người tiêu dùng”, vị này nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-8, bà Trần Thị Minh Hạnh – trưởng khoa dinh dưỡng và tiết chế Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – cho biết những nguyên liệu chính để sản xuất bánh trung thu như các loại hạt có dầu, trứng, sữa, ngũ cốc rất dễ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc. Do đó, chất lượng bánh trung thu dễ bị ảnh hưởng nếu không được sản xuất và bảo quản tốt.
“Trường hợp bánh sử dụng nguyên liệu đã bị nấm mốc, nhiễm khuẩn thì người dùng có nguy cơ bị ngộ độc cấp tính, và gây tổn hại lâu dài lên các cơ quan như gan, thận, tiềm ẩn ung thư”, bà Hạnh cảnh báo.
Cẩn trọng cả bánh “nhà làm”
Bánh trung thu “nhà làm” đang “chiếm sóng” trên thị trường TP.HCM và mạng xã hội nhưng theo ghi nhận, hầu hết bán ra theo kiểu “3 không”: không bao bì, nhãn mác, không dễ xác minh chất lượng.
Đã bán ra hơn 400 cái bánh trung thu “nhà làm” với giá 20.000 – 50.000 đồng/cái tùy loại, bà Ngô Thị Hằng (quận Bình Thạnh) – chủ cơ sở sản xuất bánh này – cho biết ngày càng nhiều người thích ăn dòng bánh này vì được làm theo yêu cầu, ít ngọt, giá rẻ. Tuy nhiên, bà Hằng thừa nhận chất lượng do cái tâm người làm nên khá hên xui.
Trong khi đó, dù bánh trung thu “nhà làm” được đóng gói cẩn thận, thậm chí đã bỏ sỉ lượng lớn nhưng đại diện cơ sở sản xuất bánh trung thu M.T (Thủ Đức) thừa nhận: “Bánh này chủ yếu là niềm tin giữa người bán và mua, chứ buôn bán nhỏ nên không ai kiểm tra, và tôi cũng không có điều kiện mang sản phẩm đi chứng nhận chất lượng”.
Bà Trần Thị Minh Hạnh cho rằng người tiêu dùng có thể dễ gặp rủi ro đối với bánh trung thu bán trôi nổi trên mạng vì không nguồn gốc, thiếu kiểm soát chất lượng. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng chỉ nên mua bánh “nhà làm” khi thực sự biết và có cơ sở để tin tưởng người sản xuất.
Nguồn: tuoitre.vn