Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bảo hiểm giảm hai chữ số theo đà lùi sâu của thị trường chứng khoán.
Trong quý II, 5 doanh nghiệp niêm yết chiếm hơn một nửa thị phần bảo hiểm phi nhân thọ đều có lợi nhuận sau thuế suy giảm. Tập đoàn Bảo Việt (BVH) báo lãi sau thuế 317 tỷ đồng, giảm hơn 28% sao với quý II/2021. Tương tự, lợi nhuận Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico – PGI) lùi hơn 30%.
Kinh doanh ảm đạm hơn, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIG) báo cáo lợi nhuận giảm lần lượt gần một nửa và 78,5% so với cùng kỳ.
Lãi giảm trong khi doanh thu phí bảo hiểm thuần của các doanh nghiệp đều tăng. Riêng BIC và MIG lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 18% và 24%. Hầu hết nhà bán bảo hiểm đều cho biết lợi nhuận đi lùi là do hoạt động đầu tư bị ảnh hưởng.
Bảo Việt cho biết thị trường chứng khoán sụt giảm ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh khi hoạt động đầu tư này vốn đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận BVH. Kỳ này, doanh thu hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán đã bốc hơi đến 74% so với cùng kỳ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại BIC và MIG, lợi nhuận hoạt động đầu tư giảm lần lượt 24% và 32% trong quý II. Riêng BIC ghi nhận doanh thu từ kinh doanh chứng khoán giảm đến 3,15 lần.
Ngay cả Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), lợi nhuận tăng trưởng dương nhưng chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ khoảng 4%. Nguyên nhân do lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 25% so với quý II/2021.
Sau khi đạt mức cao lịch sử tại 1.528,6 điểm vào ngày 6/1, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh trong những tháng tiếp theo. Tâm lý tiêu cực lan rộng trên thị trường khiến chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam giảm đến 20,7% so với đầu năm. Việc bán tháo của thị trường có thể do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ, nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế do lạm phát và tâm lý thị trường tiêu cực sau các sự vụ pháp lý.
Theo tính toán của VnDirect, phần lớn lợi nhuận của các công ty bảo hiểm đến từ hoạt động đầu tư. Danh mục thường tập trung chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu (khoảng 90%), còn lại tỷ lệ thấp đổ vào cổ phiếu, bất động sản… Do đó nhìn dài hạn, lợi nhuận ngành này được kỳ vọng vẫn khả quan trong năm nay.
VnDirect tiếp tục duy trì quan điểm tích cực với thị trường cổ phiếu cho đến hết năm 2022. Cộng với lợi ích từ xu hướng lãi suất huy động tăng, các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục đạt được lợi suất ổn định trong năm nay.
Quan sát mối tương quan giữa lãi suất tiền gửi và lợi suất đầu tư của công ty bảo hiểm từ năm 2011 đến năm 2020, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng lợi suất đầu tư của các công ty bảo hiểm giảm trong môi trường lãi suất đi xuống. Trong bối cảnh lãi suất tăng, đơn vị này tin rằng lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cải thiện, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ do tiền gửi có kỳ hạn thường chiếm khoảng 70-80% tổng danh mục đầu tư. Tuy nhiên, VCSC lưu ý tác động trên chỉ ở mức trung bình và có độ trễ do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dự báo chỉ tăng khoảng 50 điểm cơ bản trong năm nay.
Tất Đạt
Nguồn: vnexpress.net