Thị trường chứng khoán nhiều biến động khó lường khiến các nhà đầu tư cá nhân và không chuyên phải thay đổi chiến lược đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro.
Trong nửa đầu năm 2022, thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động, VN-Index giảm hơn 20% so sới đầu năm. Phần lớn những người tham gia trực tiếp trên thị trường chứng khoán đều bị âm từ 20-50% giá trị tài khoản. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán không phải là sân chơi dành cho người thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường từ năm ngoái đến nay.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân tham gia quỹ mở hầu như không bị ảnh hưởng nhiều do các quỹ đều có biện pháp giảm thiểu rủi ro cho danh mục khi thị trường biến động mạnh.
Ví dụ, tính đến hết tháng 6/2022, hai quỹ mở cổ phiếu VINACAPITAL-VESAF và VINACAPITAL-VEOF ghi nhận mức giảm chỉ bằng 1/3 so với mức giảm hơn 20% giá trị của chỉ số VN-Index. Còn trong năm 2021, hai quỹ mở cổ phiếu VinaCapital đã ghi nhận lợi nhuận lần lượt là 67% và 56,5%, dẫn đầu trong số tất cả các quỹ mở trên thị trường và tăng gần gấp đôi so với mức tăng của VN-Index.
Theo các chuyên gia, như những lĩnh vực khác, đầu tư tài chính cũng cần có sự chuyên môn hoá cao. Nếu nhà đầu tư cá nhân chưa có đủ kiến thức chuyên môn, hoặc không có nhiều thời gian theo dõi thị trường thì nên tận dụng nguồn lực từ các quỹ mở chuyên nghiệp để ủy thác đầu tư.
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhiễu động như hiện nay, giải pháp ủy thác đầu tư chứng khoán thông qua các quỹ mở là phù hợp đối với các nhà đầu tư mới. Bởi đầu tư chứng khoán qua quỹ mở vừa giúp mang đến lợi nhuận vượt trội trong dài hạn, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư vì đã có các chuyên gia giàu kinh nghiệm của quỹ chịu trách nhiệm phân tích đầu tư và quản lý danh mục chứng khoán.
Các quỹ mở chuyên nghiệp hứa hẹn sẽ mang đến giá trị cộng thêm cho nhà đầu tư cá nhân, bởi đây là nơi tập hợp nhiều chuyên gia nghiên cứu và phân tích chuyên sâu các thông số vĩ mô, cũng như các yếu tố quan trọng của từng doanh nghiệp niêm yết. Từ đó họ sẽ chọn ra các danh mục đầu tư chứng khoán hiệu quả với rủi ro được kiểm soát tốt. Các quỹ mở cũng có thể đáp ứng được từng khẩu vị rủi ro khác nhau với nhiều danh mục đa dạng, giúp nhà đầu tư tối ưu lợi nhuận trong dài hạn. Mô hình quỹ mở còn có ưu thế là tính linh hoạt, cho phép nhà đầu tư tham gia hoặc rút vốn bất kỳ lúc nào, nhà đầu tư có số vốn giới hạn cũng có thể tham gia dễ dàng.
“Các tiêu chí nghiêm ngặt trong việc lựa chọn cổ phiếu, xây dựng danh mục và kiểm soát rủi ro của các quỹ đầu tư đã phát huy tác dụng trong giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua”, theo bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán của VinaCapital.
Nếu quyết định lựa chọn quỹ mở để ủy thác đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần xác định rõ kế hoạch đầu tư dài hạn và chỉ nên dùng vốn nhàn rỗi để đầu tư. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư vừa thoải mái tích lũy tài sản hiệu quả trên thị trường chứng khoán, mà vẫn có nhiều thời gian dành cho gia đình, bản thân và phát triển sự nghiệp riêng.
Đơn cử, các quỹ mở quản lý bởi Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital đều ghi nhận kết quả hoạt động rất tích cực. Trong 5 năm gần nhất, tỷ suất lợi nhuận trung bình của các quỹ mở cổ phiếu VinaCapital đạt 13-17%/năm, quỹ mở trái phiếu đạt 8%/năm. Nửa đầu năm 2022 khi thị trường gặp nhiều khó khăn, quỹ mở trái phiếu VINACAPITAL-VFF vẫn ghi nhận tỷ suất lợi nhuận 4,6% và đứng đầu trong số tất cả các quỹ mở trên thị trường.
Lý giải về hiệu quả hoạt động của các quỹ mở VinaCapital, bà Nguyễn Hoài Thu chia sẻ: “Để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, các chuyên gia quỹ mở VinaCapital đã linh hoạt phân bổ danh mục đa dạng; cân nhắc thận trọng khi lựa chọn đầu tư vào doanh nghiệp có giá trị nội tại và tiềm năng phát triển bền vững; chú trọng các ngành ít bị ảnh hưởng bởi biến động của vĩ mô và thị trường… Tất cả đều nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư tham gia vào quỹ mở VinaCapital”.
Bà Thu cho rằng, về dài hạn, chứng khoán luôn được xem là kênh đầu tư đầy tiềm năng bởi nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm tới. Sự phát triển kinh tế được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô ổn định như lãi suất, tỷ giá, lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân vãng lai thường xuyên ở mức dương…
Báo cáo triển vọng kinh tế do VinaCapital vừa công bố, trong quý II, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, một trong những quý có tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua, chứng tỏ kinh tế Việt Nam hồi phục rất nhanh sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng 7/2022, VN-Index đang ở vùng định giá hấp dẫn với P/E dự phóng chỉ khoảng 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm lịch sử.
“Mặc dù chỉ số VN-Index có dấu hiệu suy giảm cùng với thị trường chứng khoán toàn cầu nhưng kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng, chủ yếu do tiêu dùng nội địa tăng mạnh. Do đó, thị trường kỳ vọng chỉ số EPS của VN-Index sẽ tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay. Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ khi Fed nới lỏng việc tăng lãi suất”, bà Thu cho biết.
Minh Lâm
Nguồn: vnexpress.net