Khắp các dãy phố mua sắp lớn của London, California, New York hay Melbourne, Paris và Vancouver, du học sinh Trung Quốc đang trở thành những khách hàng quen thuộc của các cửa hiệu sang trọng.
Các cửa hàng cao cấp đã trở thành địa điểm du học sinh Trung Quốc thường lui tới tại các thành phố lớn của phương Tây – Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Hầu bao rủng rỉnh
Theo South China Morning Post, khác với sinh viên bản xứ, sinh viên Trung Quốc sinh sống tại nước ngoài với khoản trợ cấp kếch xù từ cha mẹ. Họ thuê căn hộ cao cấp ở tầng trên của những tòa nhà lớn và mua sắm ngay ở các trung tâm thương mại bên dưới.
Annabel Yeo, 22 tuổi, là con gái của nhà sáng lập kiêm CEO tập đoàn viễn thông Huawei, Nhậm Chính Phi. Cô đang học ngành khoa học máy tính tại ĐH Havard (Mỹ). Annabel Yeo từng sinh sống tại Anh, Hong Kong và Thượng Hải trước đó. Trên các tài khoản xã hội, Yeo thường xuyên chia sẻ hình ảnh đi du lịch khắp thế giới trong trang phục của những hãng thời trang lớn như Dior, Louis Vuitton và Saint Laurent.
Cậu con trai Wang Sicong của “ông trùm” bất động sản Trung Quốc Wang Jianlin cũng không phải ngoại lệ. Cậu này đang theo học triết học tại ĐH London (UCL), nơi cậu đã trở nên nổi tiếng vì mua đồng hồ Apple Watch cho cún cưng và chi 105 triệu USD cho căn hộ đơn ở khu nhà giàu Kensington.
“Đây thật sự là những khách hàng tiềm năng chúng tôi hay nhắc tới. Họ có sức mua lớn, chi phí cho sinh viên quốc tế thường rất cao, nên để có thể học tập tại Anh, họ phải xuất thân từ gia đình giàu có”, bà Melody Yeh, đồng sáng lập của hãng nghiên cứu thị trường Emerging Communications, cho biết.
Annabel Yeo, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, tại một buổi dạ tiệc ở Paris, Pháp – Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Khách hàng tiềm năng cho hàng xa xỉ
Theo bà Yeh, du học sinh Trung Quốc hàng năm dành ‘ngân sách’ khoảng 37.000 USD chỉ cho tiêu xài cá nhân, không tính chi phí sống và thuê nhà. Bên cạnh đó, mỗi sinh viên sẽ có khoảng 3 người từ Trung Quốc đến thăm mỗi năm và họ chắc chắn sẽ đi mua sắm.
Những sinh viên như thế đang ngày một đông hơn tại các trường học phương Tây. Những công dân Trung Quốc trẻ chiếm hơn 40% số sinh viên quốc tế tại Anh vào năm 2018, cũng như 33% tại Mỹ và Canada, theo South China Morning Post.
Một khảo sát gần đây của tổ chức Kai Tak Education phát hiện 83% triệu phú Trung Quốc muốn con cái mình du học, nhất là các nước phương Tây. Ngân hàng Credit Suisse trước đó cũng ước tính hơn 100 triệu người Trung Quốc đang nằm trong top 10% giàu nhất thế giới.
Dòng sinh viên Trung Quốc đổ về các thành phố Mỹ và châu Âu đang tạo ra hẳn một mảnh kinh doanh riêng nhằm phục vụ nhu cầu của họ. Các trang mạng bắt đầu có hiển thị tiếng Hoa để và tư vấn dành riêng cho du học sinh Trung Quốc.
Thực tế, những du học sinh này còn có khả năng tái định hình cả thị trường hàng xa xỉ của phương Tây.
Theo South China Morning Post, các nhãn hiệu Anh vốn đã chật vật kể từ khi quốc gia của họ chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit vào năm 2016. Trong khi đó, Mỹ từng luôn là lựa chọn hàng đầu của du học sinh Trung Quốc.
Thế nhưng, kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, ngày càng nhiều học sinh Trung Quốc chọn đến Anh du học. Điều này khiến ngành công nghiệp thời trang tại đây cũng bùng nổ theo.
Nguồn: tuoitre.vn