Phương án nhận sáp nhập PGBank đã được 100% cổ đông Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) thông qua tại đại hội cổ đông tổ chức hôm nay, 21-4.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank lý giải về việc chọn PGBank – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phương án nhận sáp nhập PGBank được giữ bí mật tới phút cuối. Sau khi phát biểu khai mạc, thay mặt chủ tọa đoàn, bà Lê Thị Băng Tâm, chủ tịch HĐQT HDBank mới thông tin đến cổ đông về một nội dung mới phát sinh.
Theo đó, dựa trên cơ sở hợp tác hiến lược giữa HDBank và Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, ngày 20-4 hai bên đã thống nhất trình kế hoạch hợp tác chiến lược với Tập đoàn Petrolimex, nhận sáp nhập PGBank vào HDBank.
Do vậy HĐQT trình cổ đông chấp thuận bổ sung nội dung tờ trình vào chương trình của đại hội cũng như các vấn đề trong dự án sáp nhập để xin ý kiến cổ đông thông qua.
Trước đó, trên thị trường đồn đoán PGBank về chung nhà với Ngân hàng Quân Đội (MB) sau khi lãnh đạo MB thừa nhận “hai bên đang tìm hiểu sâu” đồng thời PGBank bỏ ý định sáp nhập với Ngân hàng Công Thương VN (Vietinbank).
Dự kiến sau nhận sáp nhập PGBank, HDBank có quy mô vốn điều lệ 15.345 tỉ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính và giới thiệu dịch vụ phủ khắp 63/63 tỉnh thành.
Về lộ trình sáp nhập chính thức, sau khi được cổ đông thông qua tại đại hội hôm nay, HDBank sẽ trình lên Ngân hàng Nhà nước để xin chấp thuận về nguyên tắc ngay trong tháng 5, sau đó sẽ đăng ký phát hành cổ phần với Ủy ban chứng khoán.
Trong tháng 5, HĐQT cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ sáp nhập. Tháng 7-2018 sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện phân phối cổ phiếu mà cổ đông HDBank nhận được từ giao dịch sáp nhập. Đồng thời PGBank cũng thực hiện chốt danh sách cổ đông để hoán đổi cổ phiếu.
Vào tháng 8-2018, ngân hàng dự kiến sẽ hoàn tất sáp nhập, tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của PGBank.
Tháng 9-2018, ngân hàng sẽ sắp xếp lại các mạng lưới, chi nhánh, phòng giao dịch, nhân sự, chuẩn bị thành lập công ty cho thuê tài chính, công ty kiều hối, công ty bảo hiểm và đưa vào hoạt động.
Về phương thức chuyển đổi cổ phần, trình bày tại đại hội, ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank cho biết việc sáp nhập PGBank vào HDBank sẽ được thực hiện theo phương thức hoán đổi cổ phiếu.
Theo đó, HDBank sẽ phát hành cổ phiếu theo quy định và sử dụng số cổ phiếu này để đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của PGBank. Tỉ lệ hoán đổi là 1:0,621, tức 1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank.
Phía PGBank cam kết các cổ đông đồng ý toàn bộ số cổ phần theo tỷ lệ hoán đổi đã xác định sẽ bị phong toả và chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức và 70% còn lại được chuyển nhượng sau 12 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức.
HDBank sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu phổ thông để hoán đổi cổ phần PGBank. Do tỉ lệ hoán đổi cổ phần là 1:0,621, 186,3 triệu cổ phiếu HDBank sẽ được phân bổ cho cổ đông PGBank. Còn lại 113,7 triệu cổ phiếu HDBank sẽ được phân bổ cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng này theo tỷ lệ 1 cổ phiếu HDBank được nhận thêm 0,116 cổ phiếu.
Trả lời cổ đông về việc vì sao lại chọn PGBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho hay PGBank là ngân hàng nhỏ nhưng “sạch”, có đối tác chiến lược Petrolimex.
Sau sáp nhập, ngân hàng sẽ có được hệ sinh thái khách hàng lớn, phù hợp với hoạt động bán lẻ của ngân hàng. Phía Petrolimex cũng có lợi khi có được đối tác chiến lược mới là HDBank.
Về việc nhận sáp nhận PGBank có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu HDBank hay không, bà Thảo cho hay theo thực tiễn thị trường không có quy định nào điều chỉnh giá cổ phiếu do sáp nhập mà tất cả là do thị trường điều chỉnh dựa trên chỉ số tài chính của các ngân hàng. Việc sáp nhập này không giống như cổ phiếu phát hành tăng vốn.
Dự kiến sau khi sáp nhập, lợi nhuận trước thuế của HDBank sẽ vào khoảng 4.700 tỉ. Ngoài hoạt động kinh doanh lõi của ngân hàng thì HD Saison cũng sẽ là nguồn thu đáng kể của ngân hàng. Năm nay sẽ cho ra mắt sản phẩm vay tiền từ HD Saison để mua vé máy bay Vietjet, đây là sản phẩm không công ty tài chính nào có.
Trước đó, năm 2013 HDBank cũng từng sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn của công ty tài chính tiêu dùng SGVF (thuộc tập đoàn tài chính Societe Generale cộng hòa Pháp).
Nguồn: tuoitre.vn