Bamboo Airways nói gì về nghi vấn hủy loạt chuyến bay Úc – TP.HCM vì bị giữ máy bay?

Sau khi “thay máu” hàng loạt vị trí lãnh đạo, Bamboo Airways chia sẻ về các khoản nợ cũng như trả lời dư luận về câu hỏi hãng hủy loạt chuyến bay chặng Úc – TP.HCM có phải vì nợ tiền thuê tàu nên máy bay bị giữ lại.

Bamboo Airways nói gì về nghi vấn hủy loạt chuyến bay Úc - TP.HCM vì bị giữ máy bay? - Ảnh 1.

Những vấn đề mà nhà đầu tư mới khi tham gia vào Bamboo Airways phải giải quyết khoản nợ đọng nhà cung cấp, các hợp đồng thuê máy bay để đảm bảo vận hành thông suốt, cũng như các khoản cho vay và đầu tư đang chiếm phần lớn tổng tài sản – Ảnh: CÔNG TRUNG

Ông Doãn Hữu Đoàn – phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways – trả lời riêng với Tuổi Trẻ Online. Đây là lần đầu tiên ban lãnh đạo của hãng bay này nói về các phương án trả nợ và định hướng phát triển khi tiếp quản hãng bay sau cú “ngã ngựa” của ông Trịnh Văn Quyết.

* Với vai trò là lãnh đạo mới của Bamboo Airways, ông chia sẻ về kế hoạch phát triển của hãng sắp tới có gì mới?

– Mới tiếp quản Bamboo Airways, chúng tôi đã lên kế hoạch tăng cường đội tàu bay. Dự kiến từ nay đến năm 2028 số lượng đội bay lên 100 chiếc và mở thêm các đường bay quốc tế. Phục vụ cho mục tiêu này, Bamboo Airways làm việc với các đối tác cho thuê tàu bay, thương thảo các điều khoản của hợp đồng với các hình thức thanh toán, đảm bảo đúng quy định của quốc tế.

Hàng không đã ghi nhận tín hiệu khởi sắc, cũng rất may mắn trong thời gian dịch bệnh cho đến nay, hãng nhận được sự thông cảm, hỗ trợ của hầu hết đối tác. Bảo chứng quan trọng, phần điều hành hoạt động khai thác luôn duy trì đạt chuẩn quốc tế, có tiềm năng tăng trưởng dồi dào.

Chúng tôi đang đẩy mạnh kế hoạch khai thác đường bay quốc tế đến châu Á, châu Úc, xa hơn là châu Mỹ. Đây là mục tiêu đang được chú trọng, ưu tiên đường bay thẳng đường dài kết nối các sân bay lớn quốc tế.

* Dư luận đang xôn xao Bamboo Airways hủy loạt chuyến bay chặng Úc – TP.HCM liên quan vấn đề hãng nợ tiền thuê tàu nên 2 máy bay số hiệu QH 818 và QH 819 bị giữ lại. Đến nay một trong hai tàu bay ở Úc đã hoạt động, còn một tàu vẫn nằm lại ở sân bay của Úc. Vấn đề này ra sao, thưa ông?

– Trong khi điều hành khai thác, các lý do kỹ thuật hay thời tiết đều buộc hủy các chuyến bay, đảm bảo quyền lợi khách hàng vì các yếu tố kỹ thuật. Quyền lợi của hành khách được hãng đặt lên hàng đầu.

* Như ông nói máy bay chỉ là lỗi kỹ thuật chứ không liên quan đến việc nợ tiền thuê tàu bay?

– Đây là vấn đề kỹ thuật mà thôi. Còn chi tiết hơn bên điều hành khai thác rõ hơn sẽ trả lời sau.

* Khi có nhà đầu tư mới vào quản lý hãng, nhiều doanh nghiệp đối tác Bamboo Airways  vẫn lo lắng với nhiều khoản nợ vẫn chưa được thanh toán?

– Bamboo Airways đang trong quá trình tái cấu trúc. Về mặt tài chính cũng như tài sản nguồn vốn đang được chúng tôi đẩy mạnh phương án trả nợ. Các nhà cung cấp dịch vụ cho hãng (PV: dịch vụ mặt đất, xăng dầu, cảng hàng không, suất ăn…) chúng tôi đang thương thảo, đảm bảo quyền lợi cho đối tác nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của hãng.

Trước đây khi chúng tôi chưa vào nên không biết thế nào. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tài chính để trả nợ rồi và có lộ trình.

Cơ bản các đối tác đều thấu hiểu hàng không ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 và biến động giá xăng dầu, hãng bay đều nỗ lực vượt khó vươn lên. Vì vậy, những sửa đổi mới như cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ đều được ủng hộ từ các đối tác. Tuy nhiên, vấn đề bí mật kinh doanh của hai bên nên việc thông tin về thời gian trả nợ không thể tiết lộ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng đòn bẩy tài chính kinh doanh là hoạt động hết sức bình thường, phổ biến với lĩnh vực tiêu hao vốn lớn như ngành hàng không. Các nghĩa vụ về thanh toán là mối quan tâm hàng đầu của nhà cung cấp đối tác ngân hàng, đối tác của doanh nghiệp. Với Bamboo Airways, chúng tôi ưu tiên sắp xếp trả nợ trong mọi giai đoạn.

Bamboo Airways đang khai thác khoảng 57 đường bay nội địa và kế hoạch mở rộng đường bay quốc tế. Dịch COVID-19 cùng với sự “ngã ngựa” của cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết, khoản lỗ ngàn tỉ đồng của Bamboo Airways là áp lực không nhỏ đối với nhà đầu tư mới.

Hành trình từ “đối tác” thân thiết của FLC Group, trong đó có Hãng Bamboo Airways, Sacombank của đại gia Dương Công Minh đã “đổi vai” từ chủ nợ sang đảm nhiệm vai trò lớn tại hãng bay này.

Bắt đầu gia nhập thị trường từ giai đoạn năm 2019, Bamboo đã nhanh chóng mở rộng đội bay và số liệu hãng công bố chiếm đến 20% thị phần và mục tiêu chiếm 30% thị phần tại Việt Nam. Có thời điểm Bamboo cạnh tranh ngang ngửa với “anh cả” Vietnam Airlines ở trục bay vàng TP.HCM – Hà Nội và các đường bay ngách như TP.HCM, Hà Nội – Côn Đảo.

Nhưng đại dịch bùng phát và cựu chủ tịch vướng vào vòng lao lý đã níu chân phát triển của hãng, buộc phải “thay tướng” toàn diện để duy trì vận hành.

Nhìn nhận của các chuyên gia, Bamboo Airways khả năng sẽ chưa thể gia tăng công suất trong năm nay, thị phần sụt giảm do cạnh tranh mạnh mẽ khi toàn ngành phục hồi. Cạnh tranh có thể sẽ mạnh mẽ hơn trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục nên Bamboo Airways đối diện áp lực về giữ thị phần.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: