Người đứng đầu Hoà Bình cho rằng thị trường xây dựng nội địa “quá chật chội” vì mất cân đối cung cầu nên công ty phải ra nước ngoài để có doanh thu tỷ USD.
Chiều 24/8, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình tổ chức phiên họp cổ đông bất thường lần đầu trong 35 năm hoạt động. Tại đây, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị – dành phần lớn thời gian để giải thích với cổ đông về kế hoạch mở rộng kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Hải, thị trường xây dựng gặp trở ngại lớn từ 2018 đến nay chủ yếu vì mất cân đối cung cầu, chứ không vì đại dịch và giá nguyên vật liệu tăng phi mã. Doanh nghiệp xây dựng lớn ngày càng nhiều trong khi khối lượng công việc hạn chế nên muốn thắng thầu thì phải cạnh tranh về giá, dẫn đến kết quả kinh doanh không cải thiện nhiều.
Ông Hải lấy ví dụ, năm 2008, công ty có doanh thu 700 tỷ đồng thì đến 2013 tăng lên 3.500 tỷ đồng. Con số này tiếp tục nhảy vọt theo chu kỳ 5 năm, lập đỉnh hơn 18.000 tỷ đồng vào năm 2018. Tuy nhiên, mạch tăng trưởng sau đó bị đứt, thể hiện qua việc doanh thu năm ngoái chỉ còn 11.350 tỷ đồng và lợi nhuận chưa đến 100 tỷ đồng.
“Hoà Bình như một con cá voi nhưng được nuôi trong ao tù, quá chật chội nên không đủ không gian lớn lên và vùng vẫy. Phải nhanh chóng tìm đường ra biển lớn thì cá voi mới tiếp tục tăng trưởng và sống được”, ông Hải nói và khẳng định “tiến ra nước ngoài là con đường sống duy nhất”.
Theo kế hoạch ban lãnh đạo công ty trình bày với cổ đông, Hoà Bình sẽ tập trung vào bốn thị trường chính là Australia, Canada, Texas (Mỹ) và châu Âu.
Hoà Bình nhận định có ba cách để thâm nhập vào thị trường xây dựng ở những quốc gia này. Thứ nhất, bắt đầu theo cách truyền thống và “từ con số 0” là đấu thầu tham gia dự án. Thứ hai, tham gia với tư cách nhà đồng phát triển dự án và đảm nhận vai trò tổng thầu. Thứ ba, mua lại một công ty xây dựng địa phương.
Ban lãnh đạo cho biết sẽ chọn cách thứ hai và ba nhằm hạn chế rủi ro do thiếu kinh nghiệm ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là trước đó công ty đã dành rất nhiều thời gian để phát triển mối quan hệ tại những nước này và “nhắm” được gần 20 dự án khả thi. Cách đây 2 ngày, công ty đã ra quyết định đầu tư 6 triệu CAD (tương đương 108 tỷ đồng) vào hai dự án ở bang Ontario (Canada) và Queensland (Australia).
Đặt cược vào thị trường nước ngoài, Hoà Bình kỳ vọng đến năm 2032 sẽ có tổng doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD và lợi nhuận gần 1 tỷ USD. Tỷ suất sinh lời theo đó khoảng 5%.
Chia sẻ với VnExpress bên lề phiên họp này, nhiều cổ đông và chuyên gia phân tích cho rằng kế hoạch của Hoà Bình “quá tham vọng và quá thách thức”.
Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán ACB cho rằng công ty cần cải thiện sức khoẻ tài chính trước khi ra nước ngoài bởi tình hình hiện tại khá rủi ro. Cụ thể, giá trị khoản phải thu của công ty hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm trên 70% tổng tài sản và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao (3,8 lần).
Trả lời hoài nghi của cổ đông về tính khả thi của mục tiêu này, thuyền trưởng của Hoà Bình cho biết “có niềm tin sắt đá là mục tiêu này sẽ thành hiện thực” vì quy mô thị trường xây dựng thế giới rất lớn. Ông Hải ước tính thị trường đang khoảng 12.000 tỷ USD và dự báo đến cuối thập niên này lên 19.000 tỷ USD. Với mục tiêu 20 tỷ USD (trong đó 13 tỷ USD đến từ nước ngoài) thì Hoà Bình chiếm chưa đến một phần nghìn quy mô thị trường.
Theo ông Hải, công ty phân tích rất kỹ chiến lược 10 năm và biết đâu là thế mạnh để tập trung khai thác. Ông ví dụ nguồn nhân lực là một trong những thế mạnh lớn của Hoà Bình khi bành trướng hiện diện ở nước ngoài vì công ty có thể cung cấp dịch vụ cho đối tác nước ngoài với chi phí rẻ hơn đối thủ sở tại có thể thực hiện nhiều công đoạn như lập dự toán, tiến độ, bản vẽ chi tiết… ngay ở Việt Nam. Ngoài ra, chi phí vật tư xây dựng và trang thiết bị thi công dự án nếu xuất khẩu từ Việt Nam sang những thị trường này cũng rẻ hơn so với thuê tại đây.
Dù vậy, ông Hải cũng thừa nhận Hoà Bình có những hạn chế khi triển khai chiến lược này. Một trong số đó là công ty chưa phát triển mạnh mạng lưới nhà cung cấp, nhà thầu phụ chiến lược ở nước sở tại. Hoà Bình đang giải quyết điều này bằng việc đàm phán mua lại công ty xây dựng địa phương để khai thác hệ sinh thái sẵn có của họ, sau đó chuyển giao hệ thống quản lý của công ty vào để phát triển về quy mô.
Phương Đông
Nguồn: vnexpress.net