Cảng Sài Gòn (Việt Nam) đứng thứ 6 tại Đông Nam Á và 26 thế giới dựa trên khối lượng vận chuyển, theo xếp hạng của Hội đồng Vận tải Thế giới.
Theo Hội đồng Vận tải Thế giới (World Shipping Council), trong 49 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới dựa trên lưu lượng vận chuyển, cảng Sài Gòn (Việt Nam) đứng thứ 6 Đông Nam Á và 26 thế giới với lượng vận chuyển năm 2020 khoảng 7.2 triệu TEU. Trong đó, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng sở hữu các cảng sầm uất trên thế giới gồm: Singapore (1 cảng), Malaysia (2 cảng), Thái Lan (1 cảng), Indonesia (1 cảng), Philipines (1 cảng), Việt Nam (2 cảng).
Dưới đây là 6 cảng container nhộn nhịp nhất Đông Nam Á được xếp hạng bởi Hội đồng Vận tải Thế giới.
Cảng Singapore (Singapore)
Cảng Singapore là cảng lớn nhất Đông Nam Á và thứ hai trên thế giới sau Thượng Hải. Đây là cảng duy nhất tại Đông Nam Á nằm trong top 10 cảng nhộn nhịp nhất trên thế giới.
Cảng này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu, quặng, thực phẩm bởi Singapore là một hòn đảo nhỏ với nguồn tài nguyên hạn chế. Bên cạnh đó, cảng Singapore cũng là nơi trung chuyển hàng đầu thế giới, khi 80% tàu đi qua đó chỉ làm nhiệm vụ chất hàng và vận chuyển.
Port Klang (Malaysia)
Cảng Port Klang nằm ở eo biển Malacca, trên tuyến đường vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 40km. Năm 2020 cảng có lưu lượng container khoảng 13.2 triệu TEU, trở thành cảng sầm uất thứ 12 trên thế giới và thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
Tại cảng Klang, container do 24 bến xử lý, hàng nặng do 11 bến xử lý, hàng lỏng 9 bến và 7 bến xử lý hàng khô. Ngoài ra, có 2 bến được bổ sung để phục vụ hành khách, trong đó, một bến cho tàu du lịch, bến còn lại dành cho phà.
Cảng Klang có ý nghĩa kinh tế đối với Malaysia khi đóng góp cho việc xuất khẩu các mặt hàng như giày dép, thuốc diệt cỏ, nông sản… Cảng này bao gồm ba khu vực: West Port, Northport và Southpoint. Trong đó, khu vực West Port thuộc sở hữu của nhà nước còn lại thuộc tư nhân.
Cảng Tanjung Pelepas (Malaysia)
Cảng Tanjung Pelepas là cảng lớn thứ ba ở Đông Nam Á và là một trong 20 cảng lớn nhất thế giới, với lưu lượng hàng năm khoảng 9.9 triệu TEU vào 2020. Được mở cửa vào 1999, Tanjung Pelepaslà một trong những cảng có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Với hệ thống cầu càng hiện đại, Tanjung Pelepas giúp các phương tiện cập bến và neo đậu một cách nhanh chóng.
Nằm gần cảng Singapore, Tanjung Pelepas là đối thủ cạnh tranh gay gắt với cảng thứ hai thế giới khi phần lớn hàng hóa chủ yếu tại cảng đều mang tính chất trung chuyển.
Hiện, 14 cầu cảng tại Tanjung Pelepas có gần 70 cần trục quay loại Super Post-Panamax có thể phục vụ một số tàu viễn dương lớn nhất hiện có. Công suất phục vụ tại cảng khoảng 10 triệu TEU/năm. Đến năm 2030, theo dự kiến công suất có thể đạt 30 triệu TEU/năm.
Cảng Laem Chabang (Thái Lan)
Cảng Laem Chabang nằm trên Vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Chonburi là lớn thứ tư tại Đông Nam Á. Laem Chabang gồm 11 bến cảng, trong đó có 7 bến container, một bến đa năng, một bến ro-ro, một bến xử lý hàng tổng hợp và một bến của nhà máy đóng tàu.
Với khoảng 8 triệu TEU hàng hóa được cảng này xử lý mỗi năm, công suất hàng hóa trọng tải hàng năm tại Laem Chabang khoảng 80 triệu tấn.
Cảng Tanjung Priok (Indonesia)
Cảng Tanjung Priok, còn được gọi là Cảng Jakarta, là cảng lớn thứ năm ở Đông Nam Á, với lưu lượng hàng năm 7.6 triệu TEU.
Đây là cảng hiện đại và nhộn nhịp nhất tại Indonesia khi xử lý khoảng 50% lưu lượng hàng hóa trung chuyển trên cả nước. Hiện cảng được mở rộng với mục tiêu phục vụ các tàu lớn nhất trên thế giới. Theo đó, dự án “Cảng Priok mới” sẽ làm tăng gấp ba lần công suất hàng hóa tại cảng.
Cảng Sài Gòn (Việt Nam)
Với lưu lượng hàng hóa khoảng 7.2 triệu TEU năm 2020, cảng Sài Gòn nằm trong top 6 cảng lớn nhất Đông Nam Á, và 26 thế giới theo xếp hạng của Hội đồng Vận tải Thế giới.
Với lịch sử hơn 150 năm, cảng Sài Gòn phục vụ cho khu vực TP HCM, vùng lân cận và Đồng bằng sông Cứu Long. Cảng gồm một mạng lưới các cảng nhỏ hơn nằm ở ngoại ô TP HCM. Một số bến container nổi bật nhất của cảng gồm bến Cái Mép, bến nước sâu thích hợp cho tàu hàng Mỹ và Australia.
Cảng đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế chung cho khu vực phía nam đất nước. Ngành công nghiệp phát triển của Việt Nam bao gồm nông nghiệp, thủy sản chế biến, sản phẩm hóa chất, vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản… thường được xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.
Hồng Thảo (Moverdb, porttechnology)
Nguồn: vnexpress.net