Nhiều đại lý bán lẻ kêu khó nhập hàng và hoa hồng giảm về 0 khiến họ lỗ nặng – việc từng xảy ra hồi đầu năm khi xăng dầu khan hiếm.
Sau kỳ điều hành ngày 22/8, mức hoa hồng rớt nhanh từ 300-600 đồng một lít (tùy khu vực), thậm chí có nơi xuống còn 0 đồng. Hoa hồng là mức chiết khấu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng dầu. Tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, hầu hết đại lý đều phản ánh kinh doanh thua lỗ.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương cho hay, giá xăng xuống thấp khiến các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu giảm chiết khấu về 0. Do đó, công ty ông đang chịu lỗ 500-600 đồng một lít. “Càng nhập với số lượng nhiều càng lỗ lớn nên chúng tôi hạn chế nhập vào nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng cung ứng hằng ngày cho người dân”, vị này nói.
Ông Lê Văn Mỵ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn – đơn vị đang sở hữu 11 cửa hàng và 21 đại lý bán lẻ ở TP HCM, cho biết họ thậm chí còn lỗ nặng ở mức 1.000 đồng một lít xăng.
Theo ông, xăng dầu biến động bất thường khiến từ đầu năm đến nay các đại lý chịu quá nhiều áp lực. Ngoài nguồn cung bấp bênh, giá xăng lên xuống, chiết khấu liên tục về 0 khiến nửa đầu năm công ty lỗ gần 3,5 tỷ đồng nên buộc phải giảm lương, giảm giờ làm cho nhân viên.
Không chỉ các đại lý trên, nhiều đại lý tại Hà Nội và miền Tây cũng chung cảnh ngộ. Họ tính toán, mức chiết khấu phải duy trì được ở mức 600-1.200 đồng một lít xăng, dầu thì họ mới đảm bảo được hòa vốn, sau khi trừ đi chi phí nhân công, vận chuyển, hao hụt…
“Lỗ mà chúng tôi vẫn phải bơm xăng vì cơ quan quản lý không cho phép tạm dừng bán hàng, trong khi các ngành khác rủi ro, lỗ là họ được nghỉ để bảo toàn vốn”, ông Bảo, quản lý cửa hàng xăng dầu tại Sóc Trăng bộc bạch.
Bên cạnh thua lỗ nặng do không có chiết khấu, nhiều đại lý còn cho biết thị trường đang đứt gãy nguồn hàng cục bộ.
“Bộ Công Thương thông tin vẫn đủ nguồn hàng, nhưng thực tế lại khá nhỏ giọt, các đầu mối nhập đều báo lỗ nên họ không muốn bán ra vì sợ lỗ nặng”, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Phú Thọ nói.
Vị này cho biết, mỗi tháng, cửa hàng của ông tiêu thụ khoảng 30-40 m3 dầu, nhưng việc nhập hàng khó khăn, không mua được từ sau kỳ điều hành ngày 22/8. Để có đủ hàng bán, chủ đại lý này cho biết phải “mua gom”, nài nỉ để nhập được hàng.
Tương tự, ông Lê Văn Mỵ cũng cho biết, lượng hàng nhập về đang giảm khoảng 20%. Đầu mối bán hàng cho công ty thông báo mức hàng nhập về thấp nên họ cung ứng chậm. “Các doanh nghiệp đầu mối cũng kêu lỗ nên lượng hàng nhập về khá khó khăn. Do đó, có bao nhiêu chúng tôi bán từng đó”, ông Mỵ nói.
Lý giải cho việc nguồn cung giảm, lãnh đạo một đầu mối xăng dầu tại phía Nam cho hay, giá xăng dầu thế giới vài ngày trước kỳ điều hành 22/8 tăng mạnh, giá vận chuyển quốc tế về Việt Nam cũng tăng thêm 5-8 USD một thùng, nên khi hàng về tới nơi, doanh nghiệp lỗ do giá bán lẻ trong nước giữ nguyên. Áp lực từ giá dầu thô thế giới tăng cao, nguồn hàng khan cục bộ do chậm giao hàng từ các đơn vị vận tải quốc tế, đã đẩy giá cơ sở âm mạnh.
Tính toán của doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, ở thời điểm ngày 25/8, họ đang lỗ khoảng 750-800 đồng với mỗi lít xăng, dầu diesel là 2.000-2.600 đồng một lít. Bên cạnh đó, nguồn cung khan hiếm hơn một phần còn do 7 doanh nghiệp đầu mối bị tạm tước giấy phép nhập khẩu xăng dầu trong 1-1,5 tháng (tùy doanh nghiệp).
Ước tính, thị phần của các đơn vị này chiếm khoảng 10-13% nguồn cung thị trường. Khi số doanh nghiệp nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp, thương nhân trong nước đang lấy nguồn hàng từ các đơn vị này buộc phải “chạy” sang đầu mối khác lấy hàng. Trong khi các đầu mối còn lại cũng chỉ đảm bảo cung ứng trong hệ thống của mình, nên khi nhu cầu nhập hàng tăng lên, hàng chưa kịp về…, nguồn cung của các đại lý, cửa hàng bán lẻ tư nhân bị ảnh hưởng.
Hiện, việc nhập hàng theo các doanh nghiệp đầu mối còn nhiều khó khăn do giá dầu thô bật tăng trở lại. Chi phí vận chuyển cũng tăng thêm và việc tìm nguồn “đột xuất” không hề dễ.
“Thường chúng tôi phải đấu giá và mua theo hợp đồng tương lai mới được giá tốt, các nhà mua cũng giành giật nhau trên thị trường quốc tế, chứ không phải muốn là mua ngay được”, lãnh đạo một đầu mối ở Hà Nội nói.
Theo quy định, kỳ điều hành tới dự kiến vào ngày 5/9, thay vì ngày 1/9 do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu không được tạm dừng bán với lý do không chính đáng. Nhưng nếu trì hoãn ngày điều hành giá, chủ đại lý bán lẻ xăng dầu dự báo nhiều nơi treo biển hết nhiên liệu như hồi đầu năm do nguồn hàng khan hiếm.
“Chúng tôi cần sự chia sẻ của Chính phủ, các đại lý không mong muốn đóng cửa nhưng nếu lỗ quá nặng, nguồn cung nhỏ giọt thì việc nhiều đại lý đóng cửa hàng loạt có nguy cơ diễn ra trong thời gian tới”, lãnh đạo đại lý xăng dầu ở miền tây nói.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp đầu mối, họ đề nghị cơ quan chức năng cần điều hành thị trường linh hoạt hơn, tránh nguy cơ lặp lại tình huống nguồn cung đứt gãy như hồi đầu năm.
Bộ Công Thương hôm qua yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để cung ứng. Các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, khách hàng một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn cung ứng. Phương án giao cho doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu để bù đắp lượng hàng thiếu hụt từ 7 doanh nghiệp bị tước giấy phép cũng đang được tính tới.
Thi Hà – Anh Minh
Nguồn: vnexpress.net