Vietnam Airlines kiến nghị các bộ báo cáo cấp thẩm quyền giảm 100% thuế môi trường, tăng giá trần vé máy bay nội địa từ tháng 7-2022, nghiên cứu phương án bỏ quy định giá trần và cho phép hãng được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa.
Vietnam Airlines tiếp tục kiến nghị tăng giá trần, phụ thu nhiên liệu khi giá nhiên liệu tăng cao, khách quốc tế ít – Ảnh: TUẤN PHÙNG
Kiến nghị đó được Vietnam Airlines đưa ra trong báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính về ảnh hưởng tăng giá dầu đối với hoạt động khai thác của doanh nghiệp này trong bối cảnh giá nhiên liệu không ngừng tăng cao. Việt Nam mở cửa du lịch từ 15-3-2022 nhưng hành khách quốc tế đến vẫn hạn chế. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng thị trường quốc tế chỉ bằng 10,3% so với năm 2019.
Lý do là khách quốc tế hầu hết vẫn hạn chế đi lại nước ngoài do lo ngại dịch bệnh và các hạn chế về chính sách nhập cảnh, kiểm dịch; các thị trường lớn nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga vẫn còn đang hạn chế mở cửa.
Còn thị trường nội địa đã hồi phục, các hãng hàng không đã khôi phục hầu hết mạng bay. Khách tổng thị trường nội địa 5 tháng đầu năm đạt 15,5 triệu khách, tăng 25% so với cùng kỳ và tăng 3,6% so với năm 2019.
Mặc dù thị trường hàng không đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là mạng bay nội địa, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi các lý do:
Ở các giai đoạn trước dịch COVID-19, doanh thu thị trường quốc tế chiếm khoảng 65% tổng doanh thu của Vietnam Airlines. Hiện các đường bay với các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và châu Âu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, Trung Quốc vẫn thực hiện “zero COVID”. Do vậy, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu khách quốc tế chỉ bằng 18% so với năm 2019, đóng góp 29% vào tổng doanh thu của Vietnam Airlines.
Với thị trường nội địa, dù khách tăng vượt mức năm 2019 nhưng giá vé không cao. Nguyên nhân do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn nên các hãng tập trung tăng cường khai thác trên mạng bay nội địa, gây ra tình trạng thừa tải cung ứng. Hậu quả của việc này là giá vé bình quân của các hãng vẫn đang giảm 17% so với năm 2019, làm doanh thu của các hãng chưa tương xứng với quy mô phục hồi của sản lượng khách.
Thực tế sản lượng khách vận chuyển của Vietnam Airlines tăng 7,7% so với năm 2019 nhưng doanh thu vẫn thấp hơn 12,4% so với năm 2019.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, các đồng ngoại tệ chính đều giảm giá so với USD, trong đó các đồng tiền quan trọng nhất đã mất giá mạnh như yen Nhật, euro, won Hàn Quốc, bảng Anh… ảnh hưởng lớn tới doanh thu.
Chiến sự Nga – Ukraine khiến cho giá dầu tăng liên tục từ đầu năm 2022. Giá nhiên liệu bay Jet AI trung bình 15 ngày đầu tháng 6-2022 đã đạt trên 160 USD/thùng, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh.
Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 160 USD/thùng cho 6 tháng cuối năm, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 4.324 tỉ đồng và nếu lên khoảng 190-200 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 6.800-7.600 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí tăng do sản lượng tăng thêm so với kế hoạch).
Theo Vietnam Airlines, việc chi phí khai thác không ngừng tăng cao do yếu tố khách quan không kiểm soát nhưng lại chiếm tỉ trọng lớn là giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Do vậy, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% đối với thuế môi trường trong vòng 12 tháng.
Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá trần vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, áp dụng từ tháng 7-2022.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án gỡ bỏ quy định về giá trần và cho phép các hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa theo thông lệ quốc tế.
Nguồn: tuoitre.vn