Doanh nghiệp muốn người lao động được nghỉ Tết sớm

Khối doanh nghiệp sản xuất cho rằng nhà chức trách nên đưa ra phương án nghỉ Tết sớm hơn để người lao động có thời gian chuẩn bị, về quê đón Tết.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Âm lịch 2023. Phương án một, người lao động nghỉ 7 ngày từ 29 tháng chạp tới mùng 6 tháng giêng (20-26/1/2023). Phương án hai là nghỉ 9 ngày từ 30 tháng chạp tới mùng 8 tháng giêng (21-29/1/2023). Hai phương án này đều đảm bảo “tổng số ngày nghỉ liên tục không quá 5 ngày theo quy định”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, cả hai phương án trên đều có ngày bắt đầu nghỉ Tết “quá gấp”, người lao động sẽ khó có thời gian để chuẩn bị.

Ông Phạm Quang Anh, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty May mặc Dony đề nghị nên đưa ra phương án nghỉ Tết sớm hơn cho người lao động. Với Dony, các năm trước, doanh nghiệp này thường cho người lao động nghỉ từ 25-27 tháng Chạp và trở lại làm việc vào mùng 6 Tết.

Với nhiều người, thời điểm trước giao thừa rất quan trọng và ý nghĩa, bao gồm việc dọn dẹp – trang trí nhà cửa, đi chợ sắm Tết. Việc có thời gian cùng quây quần với người thân chuẩn bị đón Tết thậm chí còn vui hơn là những ngày ăn Tết các mùng. “Vì vậy, chúng tôi luôn thu xếp cho họ nghỉ vào khung này”, ông Quang Anh chia sẻ.

Sau hai năm dịch, theo CEO May mặc Dony, việc cho người lao động nghỉ Tết sớm cũng quan trọng vì “có người những Tết trước không về do dịch bệnh, nhu cầu đoàn tụ gia đình của họ rất lớn”.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp dệt may lớn tại phía Bắc với trên 10.000 lao động cũng nói nên cho người lao động nghỉ sớm 2-3 ngày trước Tết, sau đó trở lại làm việc sớm.

“Có những thời điểm các phân xưởng sản xuất của doanh nghiệp vẫn sáng đèn tới 29, 30 Tết. Nhưng với lao động quê ở xa, chúng tôi thường cho họ nghỉ trước, chỉ làm hết 27 tháng Chạp. Ai quê ở gần hơn, hoặc ở ngay Hà Nội, có thể nghỉ muộn hơn. Tâm lý người lao động thoải mái làm việc mới năng suất”, ông này bình luận.

Bên cạnh các chế độ khác về tiền lương, thưởng, theo ông việc cho lao động nghỉ Tết sớm cũng là chế độ phúc lợi mà doanh nghiệp ưu tiên dành cho họ.

Để hạn chế những ảnh hưởng do nghỉ Tết sớm, doanh nghiệp cần phải thu xếp rất kỹ. “Trước khi lên kế hoạch nghỉ Tết, doanh nghiệp và người lao động cùng thảo luận, thống nhất tăng ca làm thêm các ngày cuối tuần hoặc những tháng trước Tết, sau đó dồn ngày để nghỉ dài hơn, về quê sớm hơn”, ông Quang Anh chia sẻ.

Phương án nghỉ Tết 7 ngày, từ 29 tháng Chạp tới hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão. Đồ họa:Tiến Thành

Phương án nghỉ Tết 7 ngày, từ 29 tháng Chạp tới hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão. Đồ họa:Tiến Thành

Trường hợp không được nghỉ sớm hơn, các doanh nghiệp đang thiên về phương án hai thay vì phương án một nghỉ 7 ngày, gồm hai ngày trước và ba ngày sau Tết. Theo phương án này, người lao động, công chức sẽ đi làm lại vào ngày mùng 6 Tết, sau đó nghỉ tiếp thứ bảy, chủ nhật.

Theo ông Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty vận tải Quảng Thành, với truyền thống người Việt, ngày mùng 1-3 Tết là dành cho gia đình, nếu theo phương án một, người lao động chỉ còn 1 hoặc 2 ngày để vui chơi. Những người quê ở xa sẽ phải trở lại thành phố sớm để kịp lịch làm việc vào mùng 6.

“Đi làm một ngày rồi lại nghỉ hai ngày tiếp sẽ khiến kỳ nghỉ bị gián đoạn. Không nên cắt khúc kỳ nghỉ, hãy để nó kéo dài liên tục, tránh tâm lý nhấp nhổm”, ông nói và cho rằng, thông thường nhân viên sẽ xin nghỉ thêm cho đến hết tuần.

Bà Trần Bảo Ngọc, Giám đốc Nhân sự Công ty InterLOG – doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics với hơn 200 lao động – cho rằng việc nghỉ gián đoạn theo phương án một sẽ khiến kỳ nghỉ Tết của người lao động, công chức không được trọn vẹn. Doanh nghiệp khi đó có mở cửa hoạt động, số người trở lại làm việc cũng không cao.

Thực tế hàng hoá lưu thông, vận hành trước và sau các dịp lễ, Tết rất ách tắc, gây nhiều áp lực lên quy trình vận hành của doanh nghiệp, nhất là với ngành logistics như InterLOG. Người lao động ở xa, không thu xếp trở lại làm việc đúng ngày hoặc nghỉ thêm sẽ là áp lực lớn với doanh nghiệp. Vì thế, phương án hai – tức nghỉ 9 ngày – người lao động đi làm trở lại vào thứ Hai (mùng 9 Âm lịch) sẽ thuận tiện cho cả doanh nghiệp, lao động.

“Nghỉ 9 ngày, doanh nghiệp có thể sắp xếp được quy trình công việc, điều kiện làm việc tốt hơn. Người lao động cũng có thêm ngày nghỉ cùng gia đình, trở lại làm việc hào hứng hơn sau kỳ nghỉ Tết”, bà nói.

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

CEO Công ty BRNDY Hoàng Quốc cũng ủng hộ phương án nghỉ Tết 9 ngày, do nghỉ ngắn không đủ thời gian để người lao động “dịch chuyển” tâm lý vui chơi sang làm việc.

Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) có hơn 200 lao động cũng thường bắt đầu nghỉ Tết từ sau 28 tháng Chạp tới mùng 10 tháng Giêng.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods nói, 28 năm nay doanh nghiệp vẫn chọn ngày mùng 6 Tết hoạt động lại để lấy ngày, lì xì đầu năm cho nhân viên rồi tiếp tục cho họ nghỉ thêm tới mùng 10. Nhân viên nào ở xa sẽ được nghỉ thêm 2 ngày phép vì di chuyển trở lại thành phố dịp này thường mất nhiều thời gian.

“Thời điểm đầu năm hàng chưa nhiều, cho công nhân nghỉ thêm họ cũng vui. Đầu năm vui vẻ, cả năm bình an”, ông Tuấn nói.

Gần 24.000 độc giả của VnExpress tham gia bình chọn phương án nghỉ Tết 2023 trong một tuần qua, kết quả là 47% chọn phương án nghỉ 9 ngày, chỉ 14% lựa chọn nghỉ 7 ngày và 39% chọn “thêm phương án nghỉ dài ngày hơn”.

Ngược lại, cũng có doanh nghiệp cho rằng không nên nghỉ quá dài. “Việc nghỉ Tết của chúng tôi đôi khi còn phụ thuộc vào tình hình đơn hàng. Thường phải làm khá căng để kịp tiến độ sản xuất vào thời điểm trước Tết. Sau đó thì hàng hoá giãn hơn, dễ thở hơn”, Tổng giám đốc một doanh nghiệp may lớn tại phía Bắc với trên 10.000 lao động nói và cho rằng nghỉ Tết không nên quá dài, 5-7 ngày là đủ.

Phương án nghỉ Tết 9 ngày, kéo dài từ 30 tháng Chạp tới hết mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão. Đồ họa:Tiến Thành

Phương án nghỉ Tết 9 ngày, kéo dài từ 30 tháng Chạp tới hết mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão. Đồ họa: Tiến Thành

Bối cảnh Tết Âm lịch 2023 sẽ đến sớm hơn mọi năm nên sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gấp rút hơn. Ngoài áp lực chi phí gia tăng, doanh nghiệp cũng sẽ thêm áp lực để giữ ổn định sản xuất, chi phí phúc lợi (ngày nghỉ, lương, thưởng…) cho người lao động dịp này.

Với dệt may, thông thường các năm cũng không nghỉ quá sớm vì mùa cuối năm bận rộn, nhiều đơn hàng và doanh nghiệp cũng muốn hoàn tất trước Tết để giao cho khách nhằm có tiền chi lương thưởng dịp này cho lao động.

Năm nay, xu hướng đơn hàng cuối năm không quá dồi dào, việc ít hơn nên theo CEO May mặc Dony, tình hình này có thể các doanh nghiệp sẽ cho lao động nghỉ Tết sớm và dài.

Theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, các phương án nghỉ Tết đã được cơ quan này tính toán kỹ dựa trên các quy định nghỉ Tết Âm lịch 5 ngày của Luật Lao động 2019. Bộ này đang tổng hợp ý kiến góp ý, chọn phương án có lợi nhất cho người lao động, doanh nghiệp… trước khi trình Thủ tướng quyết định.

Theo quy định, người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào dịp lễ, Tết sẽ được hưởng lương ít nhất 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc trong ngày. Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ lễ hàng năm sẽ được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.

Anh Minh – Viễn Thông

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: