Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL: Tăng giá trị hạt gạo Việt

Làm được mục tiêu trên, người dân tăng cơ hội sản xuất và sử dụng gạo sạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam thêm uy tín và tăng giá trị chứ không chỉ chạy theo số lượng như thời gian qua. Vấn đề là vốn và mô hình cụ thể để đảm bảo có gạo chất lượng.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL: Tăng giá trị hạt gạo Việt - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch lúa hè thu chất lượng cao tại tỉnh An Giang – Ảnh: CHÍ QUỐC

Trong khi gạo xuất khẩu qua Nhật đạt 1.200 USD/tấn, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỉ USD, tăng hơn 8%. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo giảm, bình quân chỉ khoảng 487 USD/tấn. Với khả năng xuất khẩu 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo, giá trị xuất khẩu gạo cả năm đạt khoảng 3,2 – 3,3 tỉ USD.

Lôi kéo doanh nghiệp tham gia

Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Theo dự thảo ban đầu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) mà Tuổi Trẻ có được, khoảng 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Kiên Giang, Cần Thơ…

Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết đây là những vùng thuận lợi để phát triển lúa chất lượng cao, ít chịu tác động của hạn mặn và biến đổi khí hậu. Vùng này hệ thống thủy lợi cơ bản và có ưu thế vận chuyển bằng đường thủy.

Theo ông Cường, mục tiêu đề án làm sao để nâng tầm ngành lúa gạo Việt Nam. Do đó đề án cần có những chính sách đủ mạnh để lôi kéo doanh nghiệp tham gia, nếu không đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ để trình cho vui.

Cần cánh đồng lớn trên 1.000 ha

Ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, ủng hộ và đề nghị đề án cần có chính sách rõ ràng của các cơ quan quản lý để từ đó hình thành các liên kết vững chắc của chuỗi giá trị lúa gạo. Theo ông Thuận, đề án cần hình thành các cánh đồng lớn với quy mô tối thiểu 1.000ha, cấp mã số vùng trồng cụ thể để có thể tổ chức sản xuất đồng bộ và truy xuất được nguồn gốc. Cánh đồng lớn cũng giúp công tác cơ giới hóa được áp dụng đồng bộ và qua đó tăng năng suất lao động, góp phần giảm giá thành.

Ông Thuận cũng cho rằng hiện thị trường xuất khẩu chấp nhận gạo Việt Nam theo 3 phân khúc: gạo trắng hạt dài, gạo thơm hạt dài, gạo tròn hạt ngắn. Do đó cần chuẩn hóa từ 3-4 giống lúa chính và dự phòng 3-5 giống để đảm bảo cung ứng liên tục và chất lượng giống.

Để đẩy nhanh cũng như giúp đề án thành công, theo ông Thuận, phải có cơ chế cung cấp tín dụng canh tác cho nông dân, trong đó các doanh nghiệp phải bảo lãnh được nguồn tín dụng này thông qua việc thu mua nông sản và cấn trừ công nợ ngân hàng. Với trồng lúa, hạn mức tín dụng cả Việt Nam chỉ cần có khoảng 60.000 tỉ đồng/vụ. Hạn mức tín dụng này, nếu được quy hoạch rõ, thì sẽ giúp sản xuất nông nghiệp được ổn định.

Ông Phạm Thái Bình – tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An – nhấn mạnh đề án cần xác định tiêu chí lúa chất lượng cao là phải thơm, ngon, đặc biệt là an toàn (không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật)…

Cho rằng nếu để nông dân hoặc hợp tác xã tự làm thì mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao khó thành hiện thực, theo ông Bình, phải có một mô hình liên kết: doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đây là mô hình hữu hiệu đã được thực hiện 10 năm qua. Tuy nhiên, ông Bình cho biết để nhân rộng ra, doanh nghiệp đang gặp khó do thiếu nguồn lực tài chính. Do đó đề án cần phải có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn để cung ứng đầu vào, thu mua lúa chín, đầu tư máy sấy…

Một giảng viên khoa kinh tế nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ nhìn nhận việc Bộ NN&PTNT cảnh báo đất có diện tích bị xâm nhiễm mặn, bị nhiễm mặn ở ĐBSCL ngày càng có nhiều biến động là một trong những trở ngại cho việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL: Tăng giá trị hạt gạo Việt - Ảnh 2.

Sau hơn một năm kiểm tra, gạo ST25 thương hiệu A An đã thâm nhập thị trường Nhật Bản – Ảnh: T.L.

Rất cần chính sách đột phá

Ông Nguyễn Trí Ngọc, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đánh giá việc triển khai trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL là một chủ trương đúng để phát triển, nâng tầm ngành lúa gạo. Nhưng để người trồng lúa yên tâm với nghề sản xuất lúa chất lượng cao, việc đầu tiên là xây dựng quy hoạch một cách bài bản, gắn với thị trường cả trong và ngoài nước.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT, nhấn mạnh phải bắt đầu từ ai làm, ai đầu tư? “Người trồng lúa rõ ràng vẫn là nông dân, còn người chế biến, thu mua lúa cần có một hệ thống các chủ thể mới. Do đó, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải tập trung vào vai trò của tổ chức thể chế” – ông Sơn nói và cho rằng đề án phải hình thành được một hệ sinh thái các tổ chức sản xuất – kinh doanh, trong đó đi đầu là doanh nghiệp (doanh nghiệp xuất khẩu và thương mại).

Tiếp theo các hộ nông dân nhỏ lẻ phải liên kết lại thành các hợp tác xã. Từ đó, sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, áp dụng máy móc hiện đại, áp các quy chuẩn kỹ thuật đồng bộ. Không nhất thiết phải sản xuất theo VietGap, Globalgap mà quan trọng là sản xuất theo tiêu chuẩn yêu cầu của từng thị trường…

“Phải giảm khâu trung gian, thương lái để hợp tác xã là người thay thế lo chuyện đầu vào vật tư, giống, máy móc, dịch vụ kỹ thuật, thu mua lúa đúng chất lượng cho doanh nghiệp” – ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, đề án này cũng rất cần chính sách tạo đột phá cho hợp tác xã, nâng năng lực của đội ngũ này, bởi từ trước đến nay hợp tác xã thường thua thương lái cả về thực lực, vốn liếng, thông tin thị trường.

Địa phương trông chờ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Thành Dãnh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, nhận định “đây là một đề án hoàn toàn thuận lợi cho bà con. Về gạo chất lượng cao hiện nay năng suất chỉ tương đối, vì diện tích không thể tăng. Vì vậy chỉ có cách đánh vào giá trị, mà giá trị là chất lượng lúa gạo.

Thế giới bây giờ hướng đi vào gạo chất lượng cao, nên buộc hướng đi của ta để xuất khẩu được gạo nhiều cũng nhân rộng diện tích này. Tỉnh Vĩnh Long có nghị quyết 03 được HĐND tỉnh thông qua, chờ cuối năm triển khai hướng dẫn bà con trồng lúa chất lượng hơn”.

Ở tỉnh có sản lượng khoảng 4 triệu tấn lúa/năm, ông Nguyễn Sĩ Lâm, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho hay trước đây tỉnh có liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa chất lượng cao. Đề án mới Bộ NN&PTNT cũng mời doanh nghiệp vào để liên kết. Với đề án hoành tráng như vậy, là tỉnh trọng điểm, thì đây là sự thuận lợi cho tỉnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan:

Mục tiêu chính là nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập

Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL cần nghiên cứu, đánh giá xem giá trị của lúa gạo ở ĐBSCL hiện đang ở đâu và tới đây sẽ nâng lên thế nào. Để làm được điều đó cần có những điều tra, khảo sát, lấy ý kiến cụ thể.

Nếu muốn người dân tham gia, chúng ta phải chứng minh được khi họ làm theo đề án, thu nhập của họ sẽ cao hơn. Mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao là nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập. Có thể trước mắt làm vài trăm nghìn ha nhưng đâu ra đó, sau đó hướng tới 1 triệu ha.

Đề án cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia có thế mạnh, ví dụ như Thái Lan.

Gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản với giá gần 30 triệu/tấn

Ngày 5-9, ông Nguyễn Chánh Trung – phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long – cho biết sau hơn một năm nỗ lực, đến nay sản phẩm gạo ST25 của đơn vị đã được Văn phòng Nội các Nhật Bản sử dụng – mở đầu cho ngành gạo Việt chinh phục thị trường Nhật.

Để có được gạo xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, từ tháng 3-2021, đơn vị đã gửi hàng mẫu qua Nhật để họ kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong sản phẩm nông nghiệp, Nhật Bản kiểm soát 600 chỉ tiêu, nếu đạt các yêu cầu mới cho nhập.

“Chúng tôi phải làm việc với 4 đối tác và 1 đơn vị của Nhật Bản mới đưa gạo vào thị trường Nhật Bản được. Tôi chỉ đưa qua Nhật Bản 100 tấn gạo ST25 mang thương hiệu A An. Chúng tôi không đưa nhiều vì sợ tồn kho thì phải trữ lạnh sẽ tốn kém. Toàn bộ gạo đang được các nhà phân phối trữ lạnh để không sinh mối mọt. Hiện nay các nhà phân phối cũng đặt vấn đề muốn mua khoảng 1.000 tấn gạo/năm để tăng quy mô bán lẻ gạo đến các siêu thị” – ông Trung nói.

Giá bán gạo ST25 sang Nhật Bản hơn 1.200 USD, trên 28 triệu đồng/tấn, cao hơn 300 USD/tấn so với giá gạo xuất khẩu sang các nước châu Âu hiện nay chỉ 900 USD/tấn. Tại các siêu thị, gạo ST25 bán với giá 2.000 yen, tức khoảng 335.000 đồng/túi 5kg gạo cho người tiêu dùng.

BỬU ĐẤU

Thái Lan, Việt Nam cùng tính cách nâng giá gạo

Thu hoach lua an giang 1 1(Read-Only)

Trồng lúa chất lượng cao là xu hướng đang diễn ra tại ĐBSCL. Trong ảnh: thu hoạch lúa hè thu 2022 (An Giang) – Ảnh: CHÍ QUỐC

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết đã đạt thỏa thuận với Việt Nam về nâng giá gạo xuất khẩu để bù đắp chi phí sản xuất tăng cao.

Theo Bangkok Post, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on cho biết thỏa thuận đạt được sau các cuộc thảo luận giữa hai nước về giá gạo xuất khẩu gần đây. Hai nước sẽ lập tức thành lập nhóm triển khai ý tưởng này.

Ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn của ông Chalermchai, được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán giá của Thái Lan. Theo ông Chalermchai, các cuộc gặp sắp tới sẽ thảo luận về thỏa thuận giá gạo giữa Việt Nam và Thái Lan để tất cả các bên hiểu rõ hướng nâng giá gạo xuất khẩu. “Thỏa thuận là bước đầu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan để giúp các nông dân có được giá xuất khẩu công bằng hơn, sử dụng cơ chế giá cả trên thị trường toàn cầu”, ông Chalermchai nói.

Các quan chức nông nghiệp Thái Lan cho biết nông dân thời gian qua bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kép đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine, trong khi giá gạo trên thị trường toàn cầu tăng không tương xứng.

Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo thứ ba thế giới với 6,12 triệu tấn vào năm ngoái, đứng sau Việt Nam với 6,2 triệu tấn và Ấn Độ với 19,5 triệu tấn.

Theo ông Chalermchai, để thực hiện thỏa thuận, Việt Nam và Thái Lan sẽ tìm cách lập một cơ chế đàm phán chính phủ, đồng thời thuyết phục các nhà xuất khẩu gạo khác tham gia.

Ông Pramot Charoensin, chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan, cho biết chi phí trồng lúa của Thái Lan đã tăng gần gấp đôi so với hai năm trước, lên từ 203 USD đến 217 USD mỗi tấn. Các hiệp hội của Thái Lan hoan nghênh thỏa thuận với Việt Nam, tuy nhiên lo ngại khi hai nước tăng giá sẽ khiến người mua tìm đến gạo của Ấn Độ.

Ông Rangsan Sabaimuang – chủ tịch Hiệp hội Các nhà máy xay xát gạo Thái Lan – còn đề xuất lập tổ chức quản lý giá gạo với câu hỏi: Tại sao các nước xuất khẩu dầu lại có thể lập Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) mà chúng ta lại không?

Trả lời về vấn đề trên, ông Nguyễn Như Cường – cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT – khẳng định Việt Nam sẽ tuân thủ đúng theo quy định các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. “Giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường về giá và luôn minh bạch, thực hiện trách nhiệm của Việt Nam với vấn đề an ninh lương thực quốc tế” – ông Cường nói và cho biết đến thời điểm này Việt Nam vẫn đảm bảo kế hoạch gieo trồng hơn 7,2 triệu ha, sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn thóc. Do đó sản lượng xuất khẩu năm 2022 từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo hoàn toàn đảm bảo. Tuy nhiên giá trị sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới.

TRẦN PHƯƠNG

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: