Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu các phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tăng cao.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, về công tác quản lý giá đối với một loạt mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Đồng thời, liên bộ Tài chính – Công Thương cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Đặc biệt, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tăng cường chỉ đạo, đề nghị, tuyên truyền đơn vị kinh doanh vận tải.
Cơ quan chuyên môn rà soát chặt chẽ mức giá kê khai đảm bảo phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, đặc biệt là yếu tố xăng dầu, trường hợp giá xăng dầu giảm, làm giảm giá cước thì yêu cầu kê khai giảm giá cước.
Đối với giá lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn.
Đối với thuốc, vật tư y tế, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế phải theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Rà soát hoàn thiện quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, chuẩn bị các điều kiện cho phép, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định thời điểm điều hành phù hợp.
Nguồn: tuoitre.vn