Sáng 11-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc họp, làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm, xử lý khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí – Ảnh: T.NG
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hiện nay trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, lạm phát suy thoái hiện hữu trên tất cả các nước, do đó càng phải đoàn kết, thống nhất, “nắm chặt tay” vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, với mục tiêu cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, Thủ tướng cho rằng PVN có vai trò đảm bảo “năng lượng cho phát triển”.
Biểu dương và đánh giá cao những thành quả của ngành dầu khí, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đất nước, Thủ tướng nêu rõ, tại buổi làm việc này, chúng ta cần đánh giá tình hình năng lượng thế giới, vai trò, sứ mệnh của ngành phải làm gì cho sự phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng, tập đoàn có vai trò lớn cho sự phát triển của đất nước, sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, chế biến, cung ứng, kinh doanh, phân phối. Do đó, ngành dầu khí cần dự báo tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chung về năng lượng.
Trong đó có nhiệm vụ cụ thể để góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Để làm tốt việc đó, chúng ta cần tư duy, tiếp cận và tổ chức thực hiện hiệu quả.
PVN kiến nghị Thủ tướng nhiều giải pháp cho dự án dầu khí – Ảnh: T.NG
Báo cáo về tình hình, tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho hay với phương châm quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững, tập đoàn chủ động bám sát biến động kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành để có giải pháp phù hợp với diễn biến giá dầu, cung cầu dầu thô, khí đốt, sản phẩm lọc, hóa dầu.
Tập đoàn cũng tập trung tháo gỡ các dự án khó khăn, đến nay đã có những kết quả bước đầu. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và ứng phó với tốc độ chuyển dịch năng lượng, PVN triển khai nghiên cứu các dự án, cơ hội đầu tư là lợi thế tại các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, quản trị nguồn nhân lực, quản trị rủi ro…
Với vai trò trụ cột của các nền kinh tế, năm 2021 PVN nộp ngân sách 112.500 tỉ đồng, vượt 80% kế hoạch năm và tăng 36% so với cùng kỳ. 8 tháng đầu năm 2022, tổng nộp ngân sách đạt 90.600 tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được kết quả, khai thác dầu thô vượt 23% kế hoạch. Sản xuất cung ứng ra thị trường trong nước 1,22 triệu tấn đạm urê, sản xuất 4,56 triệu tấn xăng dầu (không gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Tập đoàn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp bách, dự án trọng điểm, đặc biệt là các chuỗi dự án khí – điện, nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tập trung giải quyết các dự án khó khăn, tồn tại các dự án như: nhiệt điện Long Phú 1, dự án Vũng Áng 1…
Tuy vậy, ông Hùng cho biết tập đoàn vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thời gian dài như: một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tế hoạt động, cơ chế phân cấp cho tập đoàn chưa đủ hiệu quả. Các dự án dầu khí còn nhiều vướng mắc, tồn đọng tài chính chưa được xử lý…
Theo đó, tổng giám đốc PVN kiến nghị cần có chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy: Chiến lược phát triển đến năm 2035, định hướng đến năm 2045; thành lập chi nhánh phát điện dầu khí trực thuộc tập đoàn.
Tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư như chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn; dự án điện Long Phú 1; dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án Tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu Long Sơn; chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh…
Nguồn: tuoitre.vn