Các doanh nghiệp của hai nước sẽ được tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, cùng quan tâm như năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số.
Doanh nghiệp Việt – Úc tìm kiếm hợp tác năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao – Ảnh: ĐỨC THIỆN
Đó là chủ đề thảo luận tại diễn đàn về hợp tác công nghệ trong kinh doanh và thương mại Úc – Việt Nam do Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT), Trường ĐH Công nghệ Sydney (UTS), Bộ Khoa học và công nghệ (MOST), Saigon Innovation Hub và Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tổ chức ngày 16-6.
Theo ông Bùi Thế Duy – thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Việt Nam hiện nay đã chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế cần đổi mới sáng tạo để thoát bẫy thu nhập trung bình, do đó rất cần thiết có nhiều hoạt động giúp các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao giải pháp, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số.
Thông qua khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp ở Việt Nam, GS Eryk Dutkiewicz, trưởng khoa kỹ sư điện và dữ liệu của ĐH Công nghệ Sydney, cho biết đa số các doanh nghiệp công nghiệp ở Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận công nghệ mới để tăng năng suất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan hỗ trợ hai nước trong quá trình tiếp cận thông tin và công nghệ tiên tiến. Do đó, việc tổ chức các chương trình nhằm nâng cao năng lực xúc tiến, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, cố vấn chuyên môn cho doanh nghiệp hai nước là điều hết sức cần thiết và cần được tổ chức thường xuyên”, GS Eryk Dutkiewicz cho biết.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ thông tin để tìm kiếm hợp tác về rất nhiều chủ đề cụ thể, như: ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, mô hình kinh doanh chia sẻ lợi nhuận trong đầu tư dự án năng lượng, công nghệ sấy nông hải sản bằng năng lượng mặt trời…
Bên cạnh đó còn có ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, giải pháp nông nghiệp thông minh (IoT), năng lượng sạch (năng lượng mặt trời/gió, năng lượng sinh học và khí tái tạo), sản xuất nước công nghệ cao cho kinh doanh nông nghiệp và chế biến thực phẩm, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển giao công nghệ cho SMEs…
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó Úc đứng trong nhóm 20 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 1,38 tỉ đôla Úc trong năm 2020. Đầu tư của Việt Nam vào Úc (cả trực tiếp lẫn danh mục đầu tư) cũng đã tăng 5 lần, từ 155 triệu đôla Úc năm 2008 lên tới 785 triệu đôla Úc trong năm 2020. Như vậy Úc là một đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ chương trình hội nhập và cải cách kinh tế của Việt Nam. Tổng đầu tư hai chiều năm 2020 là hơn 2 tỉ đôla.
Tuy nhiên, hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2019, thủ tướng Úc và thủ tướng Việt Nam đồng ý phát triển chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước với mục tiêu tăng trưởng gấp đôi đầu tư và thương mại song phương. Việt Nam và Úc cũng chia sẻ mong muốn đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư song phương, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế mỗi nước, tăng thu nhập, tạo việc làm và cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp hai nước.
Diễn đàn là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ của quỹ tài trợ cam kết tăng cường kinh tế giữa Úc và Việt Nam do Chính phủ Úc triển khai, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2 triệu USD dành cho các doanh nghiệp địa phương, đã bắt đầu được thực hiện từ giữa năm 2021.
Nguồn: tuoitre.vn