Thị trường Bắc Âu còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên họ đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao, khắt khe. Trong đó, các sản phẩm ‘đường xa đi nhẹ’ nhưng có giá trị cao, như nhóm gia vị, hạt tiêu, cà phê, thậm chí là thủy sản sẽ có lợi thế.
Cà phê là mặt hàng có tiềm năng để xuất khẩu sang Bắc Âu – Ảnh: TIẾN THÀNH
Ông Nguyễn Quốc Toản – cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhấn mạnh như vậy khi kết luận diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế diễn ra chiều 15-9.
Theo ông Toản, qua diễn đàn, có thể thấy thị trường Hà Lan và các nước Bắc Âu còn nhiều dư địa để phát triển và đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao và khắt khe. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta coi đó là khó khăn để tiến vào.
“Câu hỏi đặt ra là chúng ta lựa chọn ‘vũ khí’ gì để chinh phục thị trường này? Muốn thực hiện được chúng ta cần dựa theo sự hiểu biết và thông tin đầy đủ.
Ví dụ như việc lựa chọn các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, các sản phẩm ‘đường xa đi nhẹ’ nhưng có giá trị cao, như nhóm gia vị, hạt tiêu, cà phê, thậm chí là thủy sản.
Khi chúng ta lựa chọn được mặt hàng đủ lực, đủ mạnh và hàm lượng giá trị chế biến ngày càng tăng cao, cộng với đó là sự chăm chút của doanh nghiệp cho đóng gói, bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ… để xuất khẩu sang thị trường Hà Lan và Bắc Âu là rất quan trọng” – ông Toản nói.
Để làm được điều này, ngoài vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tham tán, ông Toản nhấn mạnh vai trò của hiệp hội ngành hàng rất quan trọng, “phải dựa vào nhau trên sự kết nối tổng thể, chỉ khi gắn kết được thì mới vào được các chuỗi phân phối lớn”.
Ông Toản đề xuất các cơ quan thương vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp tại địa bàn, của các đầu mối nhập khẩu nông sản tại từng thị trường để chia sẻ rộng rãi.
Các hiệp hội ngành hàng cần có sự đồng hành của các đơn vị tư vấn trong vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm…
“Tuy thị phần xuất khẩu sang thị trường Hà Lan và Bắc Âu còn khiêm tốn nhưng yêu cầu chất lượng của các thị trường đều rất cao. Riêng tháng 6-2022, EU đã đưa ra 36 cảnh báo về các mức dư lượng của Việt Nam. Với tần suất cảnh báo dày như vậy, chính các doanh nghiệp cần tự ý thức, tránh để làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng cũng như uy tín của nông sản Việt Nam” – ông Toản nhấn mạnh.
Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết các nước Bắc Âu hằng năm nhập khẩu 500 tỉ USD nông sản, tuy nhiên Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1%. Hiện Việt Nam còn bỏ ngỏ 20 nước nhỏ ở thị trường này do địa lý xa xôi và tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước EU.
Theo bà Thúy, người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ với các phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động đến môi trường, giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các thực phẩm thay thế thịt.
“Thế nên, các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng protein cao, có thể thay thế thịt rất dễ dàng được đón nhận. Bên cạnh đó, người dân Bắc Âu cũng quan tâm đến yếu tố nhãn mác” – bà Thúy nói.
“Nếu muốn chinh phục thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội, thương mại công bằng.
Đối với thực phẩm, các doanh nghiệp nên hướng đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm mới lạ và đặc sản vùng miền, sản phẩm tiện lợi” – bà Thúy chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn