Vừa hóa giải việc khó đón taxi khi thêm xe buýt vào đón khách, làn xe đón khách của các hãng xe công nghệ đang khổ sở vì bí lối vào ra.
Lối xe ra từ làn D1, D2 giao cắt với đường đi nội bộ khiến nhiều tài xế phải bẻ cua gắt – Ảnh: CÔNG TRUNG
Nhiều tài xế than phiền khi “chôn chân” không nhúc nhích suốt 30-40 phút từ khi vào khu vực sân bay, khách hàng cũng khổ sở tìm kiếm tài xế. Bởi sau khi sân bay buộc tất cả xe công nghệ đón khách hoạt động ở làn xe D1 và D2 ở bên trong nhà xe TCP, tình trạng ùn ứ trong làn xe này xuất hiện ngày càng trầm trọng.
Khách và tài xế đều khổ
Ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng và trưa 13-9, hàng chục xe xếp hàng dài nhấp nháy đèn ưu tiên đợi đón khách. Chưa kể lối ra của làn D1, D2 có một trạm thu phí giao cắt với lối xe máy di chuyển nội bộ tạo khúc cua 90o nên nhiều tài xế than khó xoay xở khi kẹt xe xảy ra.
“Ngày xưa chạy vào đón khách tầm 15 phút là xong. Giờ chờ tới 40 – 45 phút vẫn chưa ra được. Vào sân bay đón khách như cực hình thế này thì ai dám chạy xe nữa” – ông Quang, tài xế GrabCar, than.
Ngoài ra, chị Nguyễn Hoa (quận Phú Nhuận, TP.HCM) còn cho rằng việc tổ chức giao thông nội bộ ở sân bay Tân Sơn Nhất không hợp lý. Như trước đây khách vất vả leo lầu 3, 4, 5 tìm đỏ mắt mới đón được xe thì hiện nay xe công nghệ được đẩy xuống làn D1, D2 và người dân cũng tìm đỏ mắt mới bắt được xe vì bảng thông tin nhỏ xíu, chưa kể không biết phân biệt được làn D1 hay D2.
“Tôi cũng là dân sành đi lại, nhưng với cách tổ chức giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất, việc đón được xe là một thử thách cho khách hàng. Ở bên trong nhà xe nóng lắm, ghế ngồi chờ thiếu, tài xế và khách gọi nhau không dưới bốn lần mới tìm thấy nhau. Sao khổ quá vậy”, chị Hoa than.
Chỉ 10m mà có hai trạm thu phí
Ngoài khó khăn trên, hiện tài xế và hành khách còn bị hành thêm bởi các trạm thu phí. Bởi theo quy định có hai mức phí trên một cuốc xe ở sân bay là phí đậu xe ở nhà xe TCP và phí ra vào cổng của sân bay Tân Sơn Nhất. Mỗi chuyến xe công nghệ khi vào đón khách ở sân bay phải trả phí 25.000 đồng. Do đó nếu hành khách đi xe công nghệ sẽ phải trả khoản phí này, trong đó 15.000 đồng phí của nhà xe TCP, phần còn lại là phí của sân bay Tân Sơn Nhất.
Và để trả mức phí trên cũng rất nhiêu khê. Bởi xe công nghệ đi từ điểm đón khách trong sân bay hướng ra đường Trường Sơn buộc phải vượt qua hai trạm thu phí để trả số tiền trên. Điều đáng nói là khoảng cách của hai trạm thu phí trên chỉ 10 – 15m.
Đầu tiên xe công nghệ từ đầu làn D1, D2, phải qua trạm thu phí của TCP để đóng 25.000 đồng và được đơn vị này phát hai phiếu thu (một phiếu thu của TCP, còn lại của sân bay Tân Sơn Nhất). Khi xe ra đến cổng thu phí của sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên trạm thu phí tại đây sẽ kiểm tra lại lần nữa hóa đơn trước khi mở barie.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhà xe TCP cho hay số lượng xe công nghệ bất ngờ tăng mạnh trong vài ngày gần đây nên đã xảy ra kẹt bên trong làn xe D1, D2. Đơn vị này đã nhanh chóng bố trí bãi đậu xe ở trước nhà để xe TCP làm bãi đệm, phân luồng xe phù hợp với nhịp ra vào, tránh ùn tắc cục bộ. “Đến sáng nay, tình hình đã thông thoáng”, vị đại diện này cho hay.
Thế nhưng, đại diện một app gọi xe cho biết đã nhận liên tục phản hồi của tài xế về tình trạng kẹt xe ở làn D1, D2. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tài xế không mặn mà đón khách ở sân bay, dẫn đến thiếu xe cục bộ vào thời gian cao điểm do tốc độ quay đầu rất chậm.
Sẽ áp dụng thu phí không dừng ở sân bay
Ngày 13-9, ông Nguyễn Quốc Phương – phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị quản lý, khai thác 22 sân bay) – cho biết đơn vị sẽ triển khai thử nghiệm thu phí không dừng. Dự kiến tháng 10-2022, ở các sân bay có lưu lượng xe lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất sẽ áp dụng hình thức thu phí này.
Cách thức triển khai tương tự như thu phí không dừng tại đường cao tốc bởi lượng xe ra vào sân bay khá đa dạng, ngoài xe cá nhân còn xe taxi, hợp đồng, xe công nghệ… Ngoài ra, đơn vị này đang nghiên cứu để mở rộng thêm số lượng cổng thu phí.
Nguồn: tuoitre.vn