Nội dung trên được chia sẻ tại hội thảo ‘Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện’ do báo Đầu Tư tổ chức ngày 8-4 với sự tham gia của các bộ, ngành và các doanh nghiệp năng lượng, cung ứng điện.
Lãnh đạo EVN nhấn mạnh áp lực giá đầu vào đang đè nặng lên chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện – Ảnh: N.KH.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung – phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) – hiện nay công suất đặt của toàn hệ thống điện lên tới 77.000 MW nhưng vẫn có tình trạng thiếu điện cục bộ khi thực tế, công suất phụ tải chỉ khoảng 43.000 MW.
Lý giải về vấn đề này, ông Trung cho hay việc suy giảm hiệu suất ở các nhà máy nhiệt điện hay xảy ra vào các tháng cuối mùa khô. Nguồn năng lượng tái tạo là điện mặt trời không phát được vào buổi tối trong khi lúc này nhu cầu điện lại nhiều.
Với điện gió, dù đã vào thêm 4.000 MW nhưng chế độ vận hành thất thường khi có thời điểm chỉ đóng góp được 350 – 400 MW, nên tính ổn định không cao.
“Từ đầu năm tới nay vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện nhưng với các lý do nêu trên, việc đảm bảo cấp điện vào mùa khô sẽ tương đối khó khăn, khả năng thiếu 2.000 – 3.000 MW vào cuối mùa khô năm nay” – ông Trung cho hay.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) – cho rằng có nguy cơ thiếu điện cục bộ là do khi thực hiện quy hoạch điện, việc thực hiện các nguồn điện gặp khó khăn khi có tới 10 dự án nguồn lớn chậm tiến độ, dẫn tới thiếu hụt công suất khoảng 7.000 MW.
Trong khi đó, nguồn điện năng lượng tái tạo dù đã đưa vào vận hành, bù đắp thiếu hụt công suất, nhưng việc đầu tư truyền tải nguồn năng lượng tái tạo chưa đạt tiến độ, ảnh hưởng tới cung ứng điện cho miền Bắc ở một số thời điểm nhất định.
Ông Nguyễn Tài Anh – phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – cho hay với 77.000 MW, Việt Nam đang đứng thứ nhất Đông Nam Á về công suất đặt nguồn điện, chất lượng điện năng đáp ứng tốt nhu cầu.
Hiện tỉ trọng của EVN chỉ chiếm 1/3 nguồn phát điện và A0 đang điều hành thị trường điện với nguyên tắc nhà máy điện có giá thấp nhất thì mua trước, giá cao mua sau hoặc thậm chí không mua.
Do đó, ông Tài Anh cho rằng với cấu trúc thị trường như vậy, giá điện hiện rất cạnh tranh. EVN cũng đang thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo cung ứng điện như điều chỉnh phụ tải, cùng với tiết kiệm thì sẽ vượt qua được mùa khô 2022.
Tuy vậy, ông Tài Anh cho rằng áp lực lớn hiện nay là biến động giá nhiên liệu đầu vào như than, khí… ảnh hưởng tới cung ứng điện của EVN.
Cụ thể, giá than nhập khẩu hiện nay đã tăng gấp 3 lần, lên 200 USD/tấn so với trước; giá khí LNG 18-20 USD/triệu BTU, cũng tăng gấp 3 lần; giá sắt thép để xây dựng các dự án truyền tải… cũng đều tăng cao.
“Những biến số này khiến ngành điện chịu áp lực đầu vào, sản xuất kinh doanh. Chúng tôi cố gắng không tăng giá điện trong năm 2022, cân đối các nguồn điện một cách hợp lý nhất để đảm bảo thúc đẩy phát triển nền kinh tế” – ông Tài Anh nói, song bày tỏ lo ngại nếu áp lực giá đầu vào tiếp tục tăng thì cân đối giữa đầu vào và giá bán điện hết sức khó khăn.
Thậm chí lợi nhuận năm nay có thể bằng 0 nhưng nếu giá tiếp tục tăng thì các năm sau sẽ khó cân đối được.
Nguồn: tuoitre.vn