“Nếu sửa đổi luật theo hướng trên thì chỉ tháo gỡ vướng mắc cho dự án triển khai được, lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng. Với Nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lãng phí nguồn lực đất đai”.
Đại biểu tranh luận các quan điểm khác nhau về sửa đổi quy định chuyển đổi sử dụng đất không qua đấu giá – Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 10-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án 1 luật sửa 8 luật, bao gồm nội dung liên quan đến hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, điều 75 Luật đầu tư, sửa đổi, bổ sung khoản 1, điều 23 Luật nhà ở).
Theo tờ trình của Chính phủ, quy định hiện hành được sửa theo hướng nhà đầu tư được chuyển đổi hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.
Đánh giá Chính phủ đã nhận diện các vướng mắc, song đại biểu Ngô Trung Thành, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, chỉ ra thực tế nếu đấu giá, đấu thầu thì giá trị địa tô mang lại cho Nhà nước rất lớn. Ông dẫn ví dụ chứng minh, đấu giá 1ha đất ở Thủ Thiêm mang lại 24.500 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD).
“Nếu diện tích này, không đấu thầu, nhà đầu tư nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thử tính 100 triệu đồng 1m2 thì chỉ thu được 1.000 tỉ đồng, chưa bằng số lẻ của đấu giá”, ông nói.
Từ đó, đại biểu cho rằng, nếu sửa đổi theo dự thảo thì Nhà nước cũng như người có đất chuyển nhượng cho dự án cũng không thu được bao nhiêu. Chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về nhà đầu tư, chủ dự án, trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên việc thay đổi mục đích sử dụng đất thì chênh lệch địa tô “phải thuộc về Nhà nước, thuộc về toàn dân”.
“Nếu sửa đổi luật theo hướng trên thì chỉ tháo gỡ vướng mắc cho dự án triển khai được, lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng. Với Nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lãng phí nguồn lực đất đai”, ông Thành cảnh báo việc sửa đổi như vậy chắc chắn dẫn đến phong trào gom đất, giá đất sẽ bị đẩy lên cao, hệ lụy phát sinh nhiều và rất lớn như khó giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo đất đai sẽ tăng lên.
Tranh luận lại, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) không đồng tình với quan điểm sẽ có chênh lệch địa tô từ chuyển mục đích sử dụng đất và đấu giá. Ông Hậu nói, nếu chỉ so sánh đơn thuần có thể là đúng và có sự chênh lệch lớn.
Nhưng thực tế đây là những dự án nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất và quyền này được pháp luật bảo vệ. Đây là đất của chính nhà đầu tư nhà ở thương mại, không có quy định nào về việc Nhà nước thu hồi đem đấu giá. Người trúng đấu giá nếu là người khác phải thực hiện dự án trên khu đất của họ.
“Tôi chắc chắn rằng, các đại biểu ngồi đây, nếu là người có đất muốn làm dự án nhà ở thương mại trong trường hợp này nếu không có thỏa thuận trước để có kết quả đấu giá hợp lý sẽ để nguyên đất đó chờ thời”, ông Hậu nêu quan điểm.
Theo đại biểu, các quy định hiện hành cũng tạo nên quy định “con gà, quả trứng” trong phát triển nhà ở thương mại, là muốn có chủ trương đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở và muốn có quyền sử dụng đất ở thì phải có chủ trương đầu tư. Đây là thực tế gây nên nhiều trì trệ thời gian qua.
Vì thế, ông Hậu cho rằng, sửa như dự thảo là hợp lý, hợp tình và thực tiễn; sẽ tháo được nút thắt trong đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại phát triển, thu hút được nguồn lực xã hội phát triển lĩnh vực này, Nhà nước và xã hội sẽ thu được nhiều giá trị.
Nguồn: tuoitre.vn