Bịt “kẽ hở”, lấp “lỗ hổng” tránh tham nhũng, trục lợi từ đất đai

Việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách đất đai có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất.

Đất đai là tài sản đặc biệt của đất nước, là sở hữu của toàn dân, có giá trị vô cùng to lớn, tuy nhiên, trong thời gian qua do sự quản lý và sử dụng lỏng lẻo nên ở không ít nơi, nhiều người đã nhắm vào đó như “miếng mồi ngon” để tham nhũng. Kết quả là nhiều người đã bị bắt, bị xử tù, trong đó có không ít là các quan chức, cán bộ cấp cao, người đứng đầu địa phương.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất… và không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.

Chính vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai.

Đất đai là tài sản đặc biệt của đất nước, là sở hữu của toàn dân.

Chỉ cần một thao tác nhỏ lên công cụ tìm kiếm google gõ từ “tham nhũng đất đai” chưa đầy một giây đã có hơn 5,5 triệu kết quả dù chưa rõ đúng sai nhưng cho thấy sự quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực này, trong đó có thông tin, bài viết, trao đổi, phản ánh về tình trạng tham nhũng về đất đai kéo dài nhiều năm và có xu hướng gia tăng về số lượng, với tính chất nghiêm trọng gây thiệt hại cho nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hàng loạt các vụ việc nổi cộm như vụ Vũ “Nhôm”, vụ Út “trọc”, vụ đất đai ở Khu đô thị Thủ Thiêm-TP.HCM, vụ truy tố 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận hay như cựu bí thư tỉnh uỷ Bình Dương đều liên quan đến “bán” đất công gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai vẫn phổ biến, phức tạp với mức độ nghiêm trọng. Trong đó, những khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị sử dụng đất trước và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, trước và sau khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trước và sau khi bán tài sản nhà nước… gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước.

“Nhà nước đang bị thất thoát kép, dù không phải tất cả các vụ án đều gây thất thoát đến mức nghiêm trọng, nhưng chắc chắn ở đó tồn tại những kẽ hở tạo ra những lợi ích khủng khiếp làm thất thoát tài sản của nhà nước. Thất thoát ngân sách nhà nước bằng cách biến tài sản nhà nước thành của cá nhân hay một nhóm cá nhân. Đặc biệt ở đây tạo ra môi trường “rất tốt” để dung dưỡng cho tham nhũng hối lộ, lợi ích nhóm, chiếm đoạt tài sản nhà nước”, chuyên gia Vũ Đình Ánh cảnh báo.

Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, thực tiễn đã, đang và sẽ còn ghi nhận nhiều hình thức đa dạng và hậu quả nặng nề trong kẽ hở và vi phạm quy định quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, thông qua giao, cho thuê, liên kết kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sự tùy tiện xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù đất thu hồi của dân.

Những hành vi đó, dù trực tiếp hoặc gián tiếp, công khai hoặc ngấm ngầm, không chỉ làm tổn hại, thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh thị trường lành mạnh. Gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện và tố cáo vượt cấp, tụ tập phản đối đông người, đe dọa làm mất uy tín quản lý nhà nước, tăng bức xúc, căng thẳng và mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

“Chúng tôi cho rằng có sự áp giá đền bù sai quy định, sai đối tượng, sai thời điểm, đặc biệt là trong các dự án BOT và sai diện tích đất thực tế, đo đạc sai, lệch, che dấu diện tích. Một điểm nữa là lạm dụng dự án GPMB quá mức, sai chỗ, đối tượng, quy hoạch vụ lợi mà đấu giá đất Thủ Thiêm là 1 ví dụ. Hiện nay còn 1 hình thức rất mới nữa đó là việc thực hiện sử dụng đất canh tác theo kiểu nông nghiệp công nghệ cao, nhân danh nó nhưng cực kỳ lãng phí và rõ ràng ở đây có sự lạm dụng, cố tình làm sai lệch”, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ rõ.

Để ngăn ngừa và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai có hiệu quả thì việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách đất đai có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật đất đai, đồng thời “bịt” những “kẽ hở”, “lỗ hổng” trong chính sách đất đai không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước nên hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau.

Chính vì vậy, Tổng bí thư yêu cầu phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong Nghị quyết 19 và pháp luật về đất đai, trong đó nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất.

Cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần có sự thống nhất cao hơn nữa nhận thức về sở hữu về đất đai, trong đó cần lưu ý tính đặc biệt của sở hữu về đất đai và tính đặc thù của sở hữu về đất đai ở Việt Nam. Cần phải đặt quan hệ sở hữu về đất đai trong mối quan hệ quốc gia, dân tộc.

“Cần làm rõ hơn nội hàm về sở hữu toàn dân về đất đai, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý được chế định trong Hiến pháp và Luật đất đai. Chúng ta cũng cần nhấn mạnh nhiều hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của sở hữu toàn dân về đất đai. Để điều đó ngày càng hiệu quả hơn, cần phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước trong quản lý Nhà nước về đất đai”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ.

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Những kết luận tại hội nghị lần này còn là cơ sở, định hướng quan trọng để sửa đổi Luật đất đai 2013, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách về đất đai hiện nay, tạo nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế đất nước./.

iframe#playerVideo{
width: 100%;
}

Nguồn: cafeland.vn

Bài viết cùng chủ đề: