USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần sau khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương Mỹ Jerome Powell từ chối tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, mặc dù ông luôn khẳng định rằng Ngân hàng sẽ hành động tích cực để dập tắt lạm phát.
Tại cuộc họp báo sau kỳ họp chính sách 2 ngày, ông Powell nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ không tích cực xem xét việc tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, nhưng mức tăng thêm 50 điểm cơ bản sẽ được đưa ra bàn bạc trong một vài cuộc họp tiếp theo.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất tham chiếu qua đêm thêm 50 điểm cơ bản – mức tăng lớn nhất trong vòng 22 năm và là một quyết định được nhiều người mong đợi.
“Thị trường đang kỳ vọng có 50/50 khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 7, giữa tháng 6 và tháng 7, nhưng điều quan trọng nhất ở đây là hiện tại ông ấy (Powell) đã đẩy lùi hy vọng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản”, Mazen Issa, chiến lược gia tiền tệ cao cấp thuộc công ty TD Securities ở New York, cho biết.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – đã giảm mạnh sau những bình luận tại cuộc họp báo của ông Powell, chạm mức thấp nhất trong một tuần, là 102,48, trước khi quay trở lại mức kết thúc phiên 4/4 ở 102,62, giảm 0,76% so với đóng cửa phiên liền trước.
Ngân hàng trung ương Mỹ cũng cho biết bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ đô la của họ sẽ được phép giảm 47,5 tỷ đô la mỗi tháng trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8, và mức giảm sẽ tăng lên tới 95 tỷ đô la mỗi tháng vào tháng 9.
Các nhà đầu tư đã và đang phân tích xem liệu đợt tăng này của đồng USD – đã đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm vào tuần trước – có còn nhiều cơ hội để tiếp tục ít nhất là trong ngắn hạn hay không, khi mà phần lớn thái độ ‘diều hâu’ của Fed đều nằm trong tầm dự đoán của thị trường.
Tuy nhiên, Fed được cho là sẽ thắt chặt chính sách nhanh và mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác. Chẳng hạn như châu Âu đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng yếu đi và sự gián đoạn năng lượng do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Đồng euro phiên vừa qua đã tăng lên 1,0606 USD, tăng 0,82% so với đóng cửa phiên liền trước, và khác xa so với mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2017, là 1,0470 USD chạm tới vào thứ Năm tuần trước (28/4).
Đồng đô la Mỹ cũng được hưởng lợi từ các dòng chảy tài sản tìm nơi trú ẩn an toàn khi những hạn chế chống COVID-19 ở Trung Quốc gây ra lo ngại về tăng trưởng trên toàn cầu cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng một lần nữa.
Bắc Kinh ngày hôm qua đã đóng cửa các ga tàu điện ngầm và các tuyến xe buýt, và mở rộng các khu vực phong tỏa ở nhiều địa điểm công cộng trong nỗ lực tập trung cao độ để tránh bị phong tỏa toàn bộ như Thượng Hải, nơi hàng triệu người đã bị phong tỏa chặt trong hơn một tháng nay.
Đồng đô la Australia tiếp tục tăng ngày thứ 2 liên tiếp sau khi Ngân hàng Dự trữ nước này hôm thứ Ba (3/5) đã tăng tỷ lệ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 0,35%, lần tăng đầu tiên trong hơn một thập kỷ, và để ngỏ khả năng tăng nhiều hơn nữa trong nỗ lực kết thúc các chương trình kích thích kinh tế trong giai đoạn đại dịch.
AUD kết thúc phiên tăng 2,03% lên 0,7241 USD.
Hầu hết các tiền tệ châu Á cũng tăng giá trong phiên vừa qua, dẫn đầu là won Hàn Quốc.
Đồng won đã tăng 0,6%, trong khi peso của Philippine tăng nhẹ. Một số thị trường địa phương như Indonesia, Malaysia và Thái Lan tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ.
Dữ liệu của Mỹ hôm thứ Tư cho thấy các chủ lao động tư nhân đã thuê số lượng công nhân ít nhất trong hai năm vào tháng Tư, trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động tiếp diễn và chi phí ngày càng tăng. Điều này đang ảnh hưởng rất nặng nề đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ.
Thị trường đang chờ đợi báo cáo của Chính phủ về thị trường việc làm Mỹ tháng 4, sẽ được công bố vào ngày mai.
Các loại tiền điện tử cũng đều tăng giá trong phiên vừa qua, cùng xu hướng với chứng khoán Mỹ sau khi Fed nâng lãi suất. Trong đó, Bitcoin có lúc tăng lên 40.000 USD tại New York.
Kết thúc phiên này, Bitcoin (BTC) ở mức 39.878 USD (+ 5,70%), trong khi Ether (ETH) 2.955 USD (+ 6,59%).
BTC đang hoạt động tốt hơn các loại tiền điện tử thay thế (altcoin) từ đầu năm đến nay, nhưng trong vài ngày qua đã từ bỏ một số vị trí dẫn đầu khi để cho một số đồng tiền điện tử khác tăng vượt lên. Nguyên nhân có thể do sự cải thiện tâm lý trong ngắn hạn của các nhà giao dịch, đặc biệt là khi cổ phiếu và tiền điện tử bước vào giai đoạn tăng mạnh mẽ theo mùa.
Giá vàng giao ngay phiên vừa qua tăng 1% do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,8% lên 1.883,41 USD/ounce, song vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 0,1% xuống 1.868,8 USD.
Đồng USD giảm giá luôn khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Suki Cooper, một nhà phân tích thuộc Standard Chartered, cho biết: “Thị trường dự kiến trong cuộc họp tháng 5 FOMC sẽ có xu hướng diều hâu nhưng thị trường vàng coi mức tăng 50 50 điểm cơ bản không có gì mới lạ, có nghĩa là Fed đã có quyết định ôn hòa chứ không phải ‘diều hâu’ như các nhà đầu tư vàng lo sợ”.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn