VNDirect dự báo dòng vốn ETF sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới nhưng tập trung vào các quỹ ETFs có tiềm năng tăng trưởng tốt và định giá phù hợp.
FUEVFVND: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Sau quý 2 bùng nổ, dòng vốn ETF đã có dấu hiệu chững lại trong 2 tháng gần đây chủ yếu do sự “hụt hơi” của các ETFs nội, trong đó bộ đôi DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF của Dragon Capital là tâm điểm bị rút vốn.
Diamond ETF tiếp tục có tháng thứ 2 liên tiếp bị rút ròng mạnh nhất thị trường với giá trị 891 tỷ đồng. Sau khi dứt chuỗi 5 tháng hút tiền liên tiếp, dòng vốn đã không ngừng rút ra khỏi ETF này trong 2 tháng qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, dòng tiền vào Diamond ETF vẫn dương gần 4.200 tỷ đồng từ đầu năm chủ yếu dồn vào quý 2, đặc biệt là tháng 5.
Trong khi đó, VN30 ETF đã bị rút ròng liên tục trong 3 tháng với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Tính từ đầu năm, ETF này đã có tới 6 trên 8 tháng bị rút ròng với tổng giá trị lên đến hơn 1.800 tỷ, lớn nhất thị trường.
Chiều ngược lại, một ETF nội khác là SSIAM VNFinLead ETF đón nhận dòng tiền vào khá tích cực thời gian gần đây. Sau 2 tháng liên tiếp hút ròng hơn trăm tỷ, dòng tiền vào ETF này từ đầu năm đã đạt hơn 470 tỷ đồng. Kể từ khi bị rút ròng kỷ lục hơn 200 tỷ đồng vào tháng 3, SSIAM VNFinLead ETF đã ghi nhận 5 tháng hút vốn liên tiếp.
Ngoài việc nhà đầu tư Thái Lan giảm tốc mua gom, thậm chí rút ròng qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR), danh mục tham chiếu của Diamond ETF và VN30 ETF cũng có phần thất thế trước VNFinLead ETF (toàn bộ là các cổ phiếu tài chính). Sau khi tạo đáy thành công, thị trường đã có nhịp hồi phục tích cực với dòng tiền dần dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán,… Điều này phần nào lý giải tại sao VNFinLead ETF lại liên tục hút vốn mạnh.
Tuy nhiên, danh mục không hẳn là nguyên nhân chính tạo ra sự khác biệt. Bởi, cũng tham chiếu theo danh mục với tỷ trọng lớn được phân bổ vào các cổ phiếu hàng đầu trong nhóm VN30 như VIC, VHM, HPG, VNM, NVL, MSN,… như VN30 ETF nhưng Fubon FTSE Vietnam ETF hay FTSE Vietnam ETF đều hút tiền mạnh.
Tháng 8 vừa qua, Fubon ETF tiếp tục hút ròng 11,8 triệu USD (~ 274 tỷ đồng) và là cái tên duy nhất hút ròng trong cả 8 tháng đầu năm. Dù vậy, tốc độ hút tiền đã chậm lại khi giá trị dòng tiền vào thấp hơn nhiều so với quý 2, giai đoạn quỹ hút ròng hàng nghìn tỷ mỗi tháng. Tính chung 8 tháng đầu năm, Fubon ETF đang dẫn đầu thị trường khi hút ròng đến hơn 6.100 tỷ đồng.
Trong khi đó, FTSE Vietnam ETF bất ngờ trở thành cái tên hút tiền mạnh nhất thị trường với giá trị lên đến 27,8 triệu USD (~ 646 tỷ đồng). Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ETF này hút ròng sau giai đoạn liên tục bị rút vốn nửa đầu năm. Giá trị dòng tiền vào lũy kế 8 tháng đầu năm cũng theo đó đảo chiều sang dương 140 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ETF tham chiếu theo rổ VN30 như KIM VN30 ETF, MAFM VN30 ETF cũng đều hút vốn nhẹ trong tháng 8 cũng như 8 tháng đầu năm. Ngược lại, một ETF ngoại tên tuổi khác là V.N.M ETF vẫn chưa thoát khỏi xu hướng bị rút vốn. Lũy kế từ đầu năm, quỹ này đã bị rút ròng lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, chỉ kém VN30 ETF.
Sự trỗi dậy trở lại của FTSE VN ETF bên cạnh Fubon ETF góp phần không nhỏ kéo khối ngoại mua ròng trở lại. Theo thống kê trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 1.100 tỷ đồng trên HoSE qua đó nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu năm lên hơn 2.500 tỷ đồng. VNDirect đánh giá bối cảnh vĩ mô ổn định và triển vọng lạc quan của thị trường chứng khoán vẫn đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
VNDirect dự báo dòng vốn ETF sẽ tiếp tục tăng mạnh nhưng tập trung vào các quỹ ETFs có tiềm năng tăng trưởng tốt và định giá phù hợp. Fubon ETF vẫn hút tiền mạnh mẽ cho thấy sự ưa thích của dòng vốn từ các nước Đông Á đối với ETFs Việt Nam. Đây là yếu tố có thể hỗ trợ thị trường trong các giai đoạn điều chỉnh. Bên cạnh đó, hai quỹ ETF mới gồm DCVFM VNMidcap và KIM Growth VNFinselect cũng được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới, đa dạng hóa lựa chọn cho nhà đầu tư.
Nguồn: cafef.vn