Một lượng lớn cổ phiếu APH đã được phân phối cho cổ đông nhỏ lẻ từ khi lên sàn HoSE vào cuối tháng 7/2020, đặc biệt từ sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
APH: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
An Phát Holdings có gì?
Mã APH của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings chốt phiên 8/9 ở mức 12.350 đồng/CP – duy trì ở vùng giá thấp nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên HoSE vào tháng 8/2020.
Nếu tính từ mức đỉnh 54.100 đồng (giá đã điều chỉnh) chốt phiên 25/5/2021, thì APH đã giảm tới 77%.
Thị trường chứng khoán trong nước trải qua pha điều chỉnh mạnh từ tháng 4 tới tháng 6 vừa qua, không ít cổ phiếu cũng đã có mức giảm rất sâu trong giai đoạn này. Tuy nhiên, với APH, mã này đã có xu hướng giảm mạnh từ giữa năm ngoái. Và thêm một điều đặc biệt, là từ giữa tháng 6/2022 đến nay, trong khi nhiều cổ phiếu thị trường hồi phục mạnh, không thiếu những mã tăng gấp rưỡi, thì APH vẫn giao dịch ở vùng đáy, hồi phục không đáng kể (tăng 15% từ đáy 21/6/2022).
Diễn biến này dẫn tới những băn khoăn của cổ đông APH.
CTCP Tập đoàn An Phát Holdings được thành lập vào tháng 3/2017, với vốn điều lệ ban đầu chỉ là 15 tỷ đồng. Chiến lược phát triển theo hướng holdings, đúng như tên gọi, nhanh chóng được Chủ tịch Phạm Ánh Dương cùng các cộng sự triển khai.
Từ tháng 6 tới tháng 8/2017, An Phát Holdings triển khai liền hai đợt tăng vốn, nâng lên 550 tỷ đồng rồi 1.100 tỷ đồng, với mục tiêu mua cổ phần các doanh nghiệp cùng nhóm như AAA, VBC, CTCP Sản xuất Tổng hợp An Thành, CTCP Liên vận An Tín…
Cơ cấu cổ đông của An Phát Holdings lúc này là Chủ tịch Phạm Ánh Dương (40 triệu cổ phần, 36,36%), em trai ông Dương – ông Phạm Hoàng Việt (30 triệu cổ phần, 27,27%), cùng các cấp dưới của ông Dương là ông Nguyễn Lê Trung (30 triệu cổ phần, 27,27%) và bà Nguyễn Thị Tiện (10 triệu cổ phần, 9,09%).
Bên bán, không ai khác, chính là nhóm chủ An Phát. Bản chất của nghiệp vụ này là chuyển tài sản từ cá nhân sang pháp nhân. Nhóm chủ An Phát nhờ vậy có thêm một doanh nghiệp, đi kèm một “câu chuyện” đủ hấp dẫn trên sàn chứng khoán.
Giai đoạn 2018-2019, An Phát Holdings tiếp tục phát hành gần 20 triệu cổ phần riêng lẻ và hoán đổi nợ với cổ đông sáng lập Nguyễn Thị Tiện với mức giá 25.000 đồng/CP.
Ngoài ra, cũng như nhiều “game” IPO khác, An Phát Holdings đã bán 14,1 triệu cổ phần cho cổ đông ngoại KB Securities cũng với mức giá 25.000 đồng/CP.
Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với mức giá mua cao sẽ giúp các “game” IPO trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, ở trường hợp An Phát Holdings, thay vì mua cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết, thì pháp nhân đến từ Hàn Quốc đã mua cổ phần ưu đãi cổ tức, về bản chất không khác nhiều một khoản vay thương mại, trả lãi định kỳ.
Tới cuối năm 2019, tổng tài sản công ty mẹ An Phát Holdings lên tới 2.545 tỷ đồng, chiếm phần lớn là khoản đầu tư vào 11 công ty con (2.252 tỷ đồng), chủ yếu gồm Công ty Nhựa An Phát Xanh (AAA) với vốn đầu tư 1.678 tỷ đồng, tỷ lệ 48,08%, Công ty Nhựa Hà Nội (NHH) 506 tỷ đồng, tỷ lệ 55,17%. Trái ngược với các khoản đầu tư tài chính hàng nghìn tỷ đồng, thì ở chiều ngược lại, tiền và tương đương tiền của An Phát Holdings tại ngày 31/12/2019 chỉ là…119,5 triệu đồng.
Lên sàn, phân phối
An Phát Holdings khi đó giới thiệu là tập đoàn hàng đầu trong ngành nhựa, với hệ sinh thái các thành viên rộng khắp trong các lĩnh vực, từ sản xuất bao bì nhựa, sản phẩm – chi tiết nhựa, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, bán buôn, kinh doanh hạt nhựa, vận tải hàng hoá…
Ngoài các công ty con, An Phát Holdings trực tiếp đầu tư dự án nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân huỷ hoàn toàn công nghệ cao (PBAT) với công suất 20.000 tấn/ năm, vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng.
PBAT là xu hướng trên thế giới nhằm bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, An Phát Holdings là nhà đầu tư đi đầu trong lĩnh vực này. Tập đoàn này dự kiến đưa dự án đi vào hoạt động từ năm 2021, và từ năm 2023 khi chạy 100% công suất sẽ đạt doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng cùng lãi sau thuế trên 300 tỷ đồng, biên lợi nhuận hơn 20%.
APH vào đầu năm 2021 đã thông qua phương án nâng công suất nhà máy PBAT lên 30.000 tấn năm, vốn đầu tư 2.226 tỷ đồng, doanh nghiệp dự án là CTCP Sản xuất PBAT An Phát. An Phát kỳ vọng khi hoàn thành, dự án này sẽ đưa Tập đoàn trở thành Top 4 nhà cung cấp PBAT lớn nhất thế giới.
Sau khi cấu trúc thành công, 132,5 triệu cổ phiếu APH được chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 28/7/2020, và tăng kịch trần lên 33.600 đồng/CP (giá đã điều chỉnh), tiếp theo đó là đà tăng mạnh lên đỉnh 54.400 đồng/CP chốt phiên 1/12/2020 (92.400 đồng trước điều chỉnh). APH giao động quanh vùng 40.000-50.000 đồng suốt 1 năm sau đó.
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, quá trình phân phối của mã này cũng bắt đầu diễn ra. Gần 3 tháng sau khi lên sàn, Biên bản ĐHĐCĐ bất thường (EGM) của APH ngày 8/1/2021 ghi nhận có 122,8 triệu cổ phần, chiếm 88,1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, trong khi tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) ngày 30/3/2020, tỷ lệ này là 93,89%, còn trước nữa, tại EGM ngày 28/11/2019 là 100%.
Thông thường, tham dự ĐHĐCĐ là cổ đông lớn, cổ đông chi phối, ít có sự hiện diện của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do vậy, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ là một tiêu chí quan trọng để đo lường mức độ pha loãng trong cơ cấu sở hữu của một doanh nghiệp đại chúng.
Với APH, tỷ lệ này bắt đầu giảm nhanh về còn 80,46% tại AGM ngày 25/6/2021, đặc biệt, tới AGM 14/6/2022 chỉ còn 56,73%, tức là có 105,5 triệu cổ phần không tham dự.
Khoảng thời gian 1 năm giữa 2 AGM này cũng là giai đoạn thanh khoản của APH tăng đột biến, thường xuyên hơn 5 triệu đơn vị/ phiên, có những phiên gần 15 triệu đơn vị. Cùng với đó là nhiều nhịp tăng giảm đan xen theo chiều hướng đi xuống, kéo giá APH giảm tới 76% từ vùng 50.000 đồng/CP giữa năm ngoái về còn 11-12.000 đồng từ tháng 6/2022 tới nay.
Cũng trong thời gian này, trong bối cảnh APH giảm không phanh, Stanley Brothers (SBSI) – công ty chứng khoán cùng nhóm An Phát liên tục công bố 2 báo cáo, khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu APH.
Cụ thể, báo cáo ngày 23/8/2021 của SBSI đưa ra giá mục tiêu cho APH là 65.500 đồng/CP, cao hơn 27% so với giá thị trường khi đó, với định giá khoảng 12.500 tỷ đồng. Còn tới ngày 21/3/2022, cũng SBSI xuất bản báo cáo khuyến nghị mua APH với giá 54.300 đồng/CP, gấp 2,1 lần thị giá trên sàn, và tương đương vốn hoá 14.100 tỷ đồng, cao hơn 13% so với mức định giá trước đó chỉ 7 tháng.
Dù vậy, mặc cho SBSI liên tục khuyến nghị nhà đầu tư mua vào, APH vẫn không ngừng dò đáy trên sàn chứng khoán, hiện vốn hoá chỉ còn khoảng 3.000 tỷ đồng.
Xen giữa quá trình phân phối cổ phiếu, APH cũng đã tiến hành tăng mạnh vốn phổ thông lên 243,9 triệu cổ phần, thông qua chào bán gần 56 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng, hoàn tất tháng 4/2021, và 48,7 triệu cổ phần từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vào đầu năm nay.
Báo cáo kết quả phát hành cổ phần ngày 16/2/2022 thể hiện APH có tới 12.724 cổ đông – là một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất cả nước. Nên biết rằng, danh sách cổ đông APH vào ngày 23/12/2020 chỉ vọn vẹn là 617.
Nguồn: cafef.vn