Nghị quyết 42 đã góp phần giúp xử lý nợ xấu, làm lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đã sắp hết thời hạn của nghị quyết này, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần thiết luật hoá Nghị quyết 42 để tạo khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu.
Nợ xấu giảm rõ rệt
Quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thực sự tạo nên bước đột phá kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu kéo dài trong 5 năm. Nghị quyết 42 đã giúp hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khối lượng nợ xấu rất lớn.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả lên tới 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,93%, cao hơn mức 22,8% trung bình năm của giai đoạn 2012 – 2017.
Tuy nhiên, đến ngày 15/8, Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm tạo ra khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu khi kết thúc thời hạn thực hiện. Trước thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ nhiều lần báo cáo đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kéo dài thời hạn thí điểm của Nghị quyết 42.
Tại đối thoại chuyên đề “hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm”, ngày 13/7 do Tạp chí kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng- Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, Nghị quyết 42 có một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình xử lý nợ xấu. Chính vì vậy mà Chính phủ đã kiến nghị với Quốc hội kéo dài Nghị quyết 42.
Đánh giá về Nghị quyết 42, ông Vũ Việt Hưng, Phó ban Pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, khi Nghị quyết 42 chưa ra đời việc xử lý nợ xấu nhiều vướng mắc. Agribank cũng như rất nhiều tổ chức tín dụng khác loay hoay trên con đường xử lý nợ xấu. Từ khi Nghị quyết 42 ra đời, số tiền thu hồi từ xử lý nợ xấu của Agirbank tăng 29%. Đặc biệt, đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức của khách hàng trong việc trả nợ, hạn chế chây ì.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Nghị quyết 42 đóng góp lớn vào trong sự đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng này, kỷ luật thị trường. Ý thức của bên vay nợ cũng được tăng lên. Ông Hiếu đánh giá, ngoài kết quả con số xử lý nợ xấu, một trong những tác động lớn nhất của Nghị quyết 42 là tăng hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế và giúp ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cả ngân hàng, những người vay nợ trực tiếp.
“Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả lên tới 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,93%, cao hơn mức 22,8% trung bình năm của giai đoạn 2012 – 2017”.
Đang lấy ý kiến về luật hóa Nghị quyết 42
Theo TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nếu không luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý và phát sinh khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu. Nhất là bối cảnh kinh tế bất định vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới liên quan đến lạm phát, địa chính trị, các ngân hàng trung ương đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất…
Theo ông Lực, nợ xấu là vấn đề liên tục, tiềm ẩn. Nợ xấu liên tục xảy ra nên cần khung pháp lý, không phải để cho cộng dồn tích tụ tạo nên nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia. Việc Luật hoá Nghị quyết 42 cũng góp phần hoàn thiện thể chế tăng tính hiệu lực hiệu quả cho pháp luật.
“Hiện nay, quy mô nợ xấu khác so với trước kia. Nếu chúng ta không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay trở về dùng những luật cũ (như Luật dân sự, Luật doanh nghiệp) sẽ cực kỳ lúng túng và chồng chéo”, ông Lực đánh giá.
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho biết, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hoá các nội dung của Nghị quyết 42. Đồng thời, sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng. Trong quá trình nghiên cứu, NHNN nhận thấy, khi luật hoá Nghị quyết 42 cần bổ sung thêm một số nội dung như: quyền xử lý tài sản bảo đảm của các dự án là bất động sản; thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn.
“Bên cạnh khó khăn vướng mắc đã nhận diện được trong quá trình tổng kết Nghị quyết 42, NHNN đang lấy ý kiến của các chuyên gia, ngân hàng thương mại để có ý kiến bổ sung thêm trong quá trình luật hoá”, bà Lan cho biết.
Nguồn: cafef.vn