Cần rà soát, bổ sung quy định để kiểm soát thị trường chứng khoán

Cần rà soát, bổ sung quy định để kiểm soát thị trường chứng khoán

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

– Phóng viên: Theo ông, những vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua liên quan đến Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bộc lộ những kẽ hở về mặt pháp luật, cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời?

Tuy nhiên, hoạt động của TTCK, trái phiếu doanh nghiệp luôn có những yếu tố rủi ro cao, có tính kỹ thuật và chuyên sâu. Chính vì vậy, trong quy định pháp luật về hoạt động trên TTCK đòi hỏi sự chặt chẽ. Hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp, pháp luật cũng đã có các quy định cụ thể.

Những sự việc vi phạm vừa qua như dùng các thủ đoạn để thao túng thị trường cổ phiếu, không phải pháp luật không lường trước. Bởi các vi phạm đó đã được xử lý nhưng một số cá nhân tiếp tục tái diễn, dẫn đến bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy cơ quan quản lý cần có cảnh báo thường xuyên hơn, giám sát chủ động hơn, để ngăn chặn từ sớm.

Ông vừa nhắc đến vai trò cảnh báo, giám sát của cơ quan quản lý. Vậy từ những vụ việc vi phạm vừa qua, các cơ quan này đã làm tròn trách nhiệm chưa?

Như tôi đã nói, cơ quan quản lý cần giám sát chủ động hơn. Ví dụ như hành vi bán cổ phiếu không khai báo, đứng về mặt quản lý bằng các biện pháp công nghệ thông tin hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện từ xa, ngăn chặn từ sớm để không xảy ra nếu giám sát thực sự chặt chẽ.

Ngoài công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, cũng cần nói đến hiểu biết pháp luật, hiểu biết về kênh đầu tư của các nhà đầu tư. Như trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, pháp luật hiện đã quy định trái phiếu riêng lẻ chỉ được phép bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhưng trên thực tế, do hiểu biết về mức độ rủi ro, pháp luật chưa tốt, nhiều người dân thấy rằng lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng nên dễ dàng đi theo lời tư vấn của các đơn vị, tổ chức có chức năng đó để đầu tư trái phiếu. Ngược lại, những tổ chức, cơ quan có vai trò tư vấn lại không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và tư vấn trung thực cho nhà đầu tư.

Theo quy định hiện hành, trái phiếu riêng lẻ chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các DN phát hành, các đơn vị trung gian, đơn vị tư vấn có nhiều cách để “hô biến” nhà đầu tư thành chuyên nghiệp. Theo ông, cần làm gì để bịt kẽ hở này?

Hiện nay, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định trái phiếu riêng lẻ chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đó là các nhà đầu tư có giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỉ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỉ đồng trở lên. Quy định chúng ta đã có, mức giao dịch trên 2 tỉ đồng không phải là thấp, tuy nhiên vẫn còn lỏng lẻo.

Tôi ví dụ, nếu một người thường xuyên giao dịch, tham gia thị trường đã lâu, các danh mục đầu tư trên 2 tỉ đồng thì bình thường. Nhưng đối với một người, chỉ trong vài ngày hoặc một thời gian rất ngắn mà nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị trên 2 tỉ đồng thì không thể là nhà đầu tư chuyên nghiệp được.

Để xem xét có phải nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không, theo tôi, ngoài yếu tố về giá trị giao dịch, phải xét đến thời gian nhà đầu tư tham gia vào thị trường đó là bao lâu. Như vậy, có những quy định đưa ra nhưng chưa chặt chẽ, khiến nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng, dùng thủ đoạn để biến người không chuyên nghiệp thành chuyên nghiệp để mua bán trái phiếu.

Ở góc độ khác, chúng ta cũng phải nhìn nhận nguyên nhân còn do một số nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận khi thấy lãi suất từ trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm tại ngân hàng nên đã cùng với các công ty chứng khoán, các đơn vị môi giới, trung gian “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc này đã tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật.

Vậy theo ông, cần phải chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị trung gian, các tổ chức có chức năng tư vấn như thế nào?

Theo tôi, cần gắn trách nhiệm của các tổ chức trung gian, thực hiện vai trò tư vấn, không phải mua bán xong là xong. Tổ chức có vai trò tư vấn được hiểu là người có hiểu biết pháp luật sâu về lĩnh vực này nên phải chịu xử lý trước pháp luật khi xảy ra sai phạm.

Chúng ta cũng cần truyền thông rộng rãi hơn để các tổ chức trung gian thấy rằng, khi những vi phạm bị phát hiện, thì họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Tôi lấy ví dụ, một công ty kiểm toán độc lập, nếu xác nhận vào một báo cáo quyết toán không xác thực thông tin, thậm chí thông tin mang tính chất lừa dối thì cơ quan kiểm toán đó phải bị xử lý trước pháp luật.

Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong việc làm lành mạnh TTCK, trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, cần triển khai giải pháp nào để thanh lọc thị trường, tạo sự phát triển bền vững và bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư?

Tôi cho rằng cần rà soát, bổ sung quy định để kiểm soát thị trường. Bộ Tài chính cũng đã có đề xuất sửa Luật Chứng khoán để thị trường hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung cần có đánh giá, nghiên cứu kỹ, tổng thể hơn. Chúng ta phải có các quy định để kiểm soát các hoạt động, giao dịch có nguy cơ cao để ngăn chặn từ sớm. Khi đã có các biện pháp kiểm soát rồi, ai cố tình vượt qua những lằn ranh đó, cần phải xử lý nghiêm minh.

Như tôi đã nói ở trên, cần bổ sung các quy định cụ thể về quyền của tổ chức tham gia vào khâu trung gian, tư vấn, môi giới chứng khoán, trái phiếu. Trách nhiệm của họ ra sao, trách nhiệm đến đâu cần xác định rõ ràng hơn. Nếu tất cả bộ phận tham gia vào thị trường hoạt động đúng với chức năng của mình thì không dễ gì một người muốn có các hành vi không lành mạnh mà có thể thực hiện được. Và cũng không khó để cơ quan quản lý phát hiện những người có ý đồ thao túng, trục lợi.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: